Phương án đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định được quy định như thế nào? – Mỹ Dung (Cần Thơ).
>> Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm (đề xuất)
>> Biểu thuế suất thông thường với hàng hóa nhập khẩu từ ngày 15/7/2023
Theo khoản 3 Phần III Quyết định 587/QĐ-TTg về phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ khoa học và công nghệ, nội dung phương án đơn giản thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định (đề xuất) như sau:
- Trường hợp tổ chức kiểm định đã được chứng nhận phù hợp TCVN ISO 9001/ISO 9001 đối với toàn bộ phạm vi đăng ký kiểm định: Tổ chức kiểm định nộp bản sao Giấy chứng nhận kèm theo phạm vi được chứng nhận.
- Trường hợp tổ chức kiểm định đã được chứng nhận phù hợp TCVN ISO 9001/ISO 9001 nhưng phạm vi đăng ký hoạt động kiểm định rộng hơn phạm vi được chứng nhận: Tổ chức kiểm định nộp bản sao Giấy chứng nhận kèm theo phạm vi được chứng nhận và bản công bố năng lực kiểm định phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN ISO 9001/ISO 9001 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với kiểm định chuyên ngành đối với phạm vi chưa được chứng nhận.
- Trường hợp tổ chức kiểm định chưa được chứng nhận phù hợp TCVN ISO 9001/ISO 9001: Tổ chức kiểm định nộp bản công bố năng lực kiểm định phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN ISO 9001/ISO 9001 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với kiểm định chuyên ngành.
Lý do: Đối tượng của hoạt động kiểm định gồm nhiều loại sản phẩm, hàng hóa khác nhau, đặc biệt là kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sử dụng và sẽ có các quy trình kiểm định tương ứng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa. Để bảo đảm kết quả kiểm định, các tổ chức kiểm định sẽ phải xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001. Như vậy, hệ thống tài liệu, quy trình phải nộp trong hồ sơ đăng ký là nhiều, tổ chức mất thời gian để chuẩn bị hồ sơ đăng ký. Do đó, có thể đơn giản hóa thành phần hồ sơ (giảm tài liệu phải nộp trong hồ sơ đăng ký), nâng cao trách nhiệm của các tổ chức kiểm định, tăng cường công tác hậu kiểm.
- Bãi bỏ nội dung phải nộp danh sách kiểm định viên trong hồ sơ đăng ký và mẫu danh sách kiểm định viên trong trong Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 154/2018/NĐ-CP.
Lý do: Cơ quan thẩm định hồ sơ sẽ căn cứ vào các bằng cấp, chứng chỉ đào tạo, bằng chứng chứng minh kinh nghiệm đánh giá sự phù hợp của kiểm định viên để xem xét, đánh giá việc có đáp ứng điều kiện hay không nên có thể đơn giản hóa, bỏ quy định phải nộp danh sách kiểm định viên trong hồ sơ đăng ký, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức kiểm định, giảm thời gian phải kê khai danh sách kiểm định viên theo biểu mẫu.
Luật Doanh nghiệp và các văn bản sửa đổi, hướng dẫn (áp dụng từ ngày 05/3/2023) |
Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định (đề xuất) (Ảnh minh họa – Nguồn từ internet)
- Sửa đổi điểm đ khoản 2 Điều 10 Nghị định 107/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 154/2018/NĐ-CP).
- Bổ sung biểu mẫu về bản công bố năng lực kiểm định phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN ISO 9001/ISO 9001 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với kiểm định chuyên ngành.
- Bãi bỏ việc phải nộp danh sách kiểm định viên trong hồ sơ đăng ký quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định 107/2016/NĐ-CP và Mẫu số 02 trong Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.
- Lộ trình: Năm 2023 - 2024.
- Tổng chi phí tuân thủ trước khi cắt giảm, đơn giản hóa: 76.439.904 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ sau khi cắt giảm, đơn giản hóa: 61.712.640 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 14.727.264 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 19,2%.