Từ ngày 01/7/2024, Luật Viễn thông 2023 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, có nhiều điểm mới nổi bật về kinh doanh dịch vụ viễn thông.
>> Cơ quan Thuế sẽ kiểm tra cá nhân, tổ chức bán hàng online, livestream
>> Trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng của doanh nghiệp viễn thông từ 01/7/2024
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Viễn thông 2023, kinh doanh viễn thông bao gồm các hình thức: Kinh doanh dịch vụ viễn thông là hoạt động đầu tư thiết lập mạng viễn thông công cộng, cung cấp dịch vụ viễn thông nhằm mục đích sinh lợi; kinh doanh hàng hóa viễn thông là hoạt động đầu tư sản xuất, trao đổi, mua, bán, cho thuê hàng hóa viễn thông nhằm mục đích sinh lợi.
Căn cứ Điều 12 Luật Viễn thông 2023, hoạt động đầu tư trong kinh doanh dịch vụ viễn thông được quy định sau đây:
(i) Hoạt động đầu tư trong kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Việt Nam phải tuân theo quy định của Luật Viễn thông 2023 và pháp luật về đầu tư.
(ii) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(iii) Hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông ra nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Như vậy, về vấn đề này thì Luật Viễn thông 2023 đã kế thừa và sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Viễn thông 2009 (đặc biệt, không còn quy định các nội dung tại khoản 3, 4, 5 Điều 18 Luật Viễn thông 2009).
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Điểm mới nổi bật về kinh doanh dịch vụ viễn thông từ ngày 01/7/2024
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải tuân thủ theo các quy định tại Điều 20 Luật Viễn thông 2023, bao gồm:
(i) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông hoặc thực hiện đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 Luật Viễn thông 2023.
(ii) Việc cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông phải theo quy định của Luật Viễn thông 2023 về kết nối, quản lý tài nguyên viễn thông, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(iii) Việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông giữa doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông với người sử dụng dịch vụ viễn thông.
(iv) Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
(v) Doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cung cấp dịch vụ viễn thông ra nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Như vậy, quy định cung cấp dịch vụ viễn thông (Điều 20 Luật Viễn thông 2023) không còn đề cập đến việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam như khoản 5 Điều 25 Luật Viễn thông 2009. Thay vào đó, Luật Viễn thông 2023 dành một điều (Điều 21) để quy định cụ thể về việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam).
Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 20 Luật Viễn thông 2023 thì Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc phân loại dịch vụ viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông.
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Luật Viễn thông 2023, doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông không được từ chối giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:
(i) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đã từng vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết với doanh nghiệp viễn thông.
(ii) Việc cung cấp dịch vụ viễn thông là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật.
(iii) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đã bị doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp viễn thông khác về việc từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông theo hình thức trả sau do trốn tránh nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ.
(iv) Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 22 Luật Viễn thông 2023, doanh nghiệp viễn thông không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:
(i) Người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết.
(ii) Thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông.
(iii) Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, về vấn đề này thì Điều 22 Luật Viễn thông 2023 đã quy định một cách chi tiết, rõ ràng hơn Điều 26 Luật Viễn thông 2009.