Có phải Quốc hội vừa thông qua Luật Viễn thông 2023 hay không? Có phải Luật Viễn thông 2023 có nhiều điểm mới có lợi cho người dân? – Trương Sơn (TP. Hồ Chí Minh).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 23/11/2023
>> Lịch săn sale Tháng 12/2023, khuyến mại lên đến 100%: Tin vui cho doanh nghiệp, người tiêu dùng
Sáng ngày 24/11/2023, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Viễn thông 2023 với 94,74% tán thành.
Các Luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV |
Đã thông qua Luật Viễn thông 2023: Nhiều điểm mới có lợi cho người dân
Luật Viễn thông 2023 được đánh giá là có nhiều nội dung mới thuận lợi cho việc quản lý Nhà nước cũng như mang đến nhiều quyền lợi cho người dân.
Việc xây dựng dự án Luật Viễn thông 2023 để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cụ thể:
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”;
- Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: “Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia…”;
- Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: "Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho giai đoạn tới theo định hướng hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước".
Luật Viễn thông 2009 được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2010, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa. Sau hơn 12 năm áp dụng, Luật Viễn thông 2009 và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại, chất lượng dịch vụ viễn thông được hoàn thiện và nâng cao, phát triển thị trường viễn thông đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông 2009 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi, đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi toàn diện luật để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu mới và khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý nhà nước thời gian qua, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ với tốc độ chưa từng có trong hơn 10 năm qua, có tác động lớn đến lĩnh vực viễn thông. Hạ tầng viễn thông vốn là hạ tầng thông tin liên lạc truyền thống đã trở thành một loại hạ tầng mới là hạ tầng số - hạ tầng của nền kinh tế số. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và phổ cập, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số. Hạ tầng số có vai trò quan trọng hơn rất nhiều hạ tầng thông tin liên lạc, phải đảm bảo băng rộng và siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh và an toàn. Việc phát triển hạ tầng số sẽ ngày một tốn kém và cần thiết phải được tích hợp, dùng chung với các hạ tầng khác.
- Thứ hai, trong xu thế chuyển đổi số, dữ liệu trở thành tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế số, là đầu vào mới của sản xuất, nên nhiều nước rất coi trọng hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và đưa ra các chính sách, quy định để quản lý. Dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là các dịch vụ cho người sử dụng thuê hạ tầng (mạng, máy chủ, thiết bị lưu trữ,...) thông qua mạng viễn thông để người sử dụng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin. Các dịch vụ này hiện nay có mức tăng trưởng doanh thu cao (tại một số quốc gia trên thế giới, các dịch vụ này có doanh thu khoảng 65% so với doanh thu dịch vụ viễn thông và dự kiến đến 2025 sẽ vượt doanh thu dịch vụ viễn thông). Trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây sẽ trở thành cấu phần quan trọng nhất của hạ tầng số, cần được quản lý ở mức độ nhất định để bảo đảm sự phát triển bền vững.
- Thứ ba, sự hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin và gần đây là hội tụ với công nghệ số. Sự hội tụ này làm mờ đi ranh giới giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đặt ra những khó khăn về xây dựng, hoàn thiện thể chế.
- Thứ tư, trước đây, cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng mạng viễn thông. Quản lý doanh nghiệp hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông. Nhưng ngày nay, trên Internet có thể cung cấp được các dịch vụ viễn thông (bao gồm cả những dịch vụ viễn thông cơ bản), thậm chí có thể cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới. Điều này đặt ra bài toán về quản lý các dịch vụ viễn thông trên Internet, quản lý dịch vụ viễn thông xuyên biên giới bảo đảm nguyên tắc quản lý bình đẳng giữa các dịch vụ viễn thông và vấn đề an toàn, an ninh.
Những thay đổi lớn và nhanh ở trên đòi hỏi cấp thiết phải có thể chế mới, nhất là các quy định cho phép sự linh hoạt của Chính phủ và các Bộ, ngành.
Ngoài ra, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)..., với những cam kết mới và cao hơn so với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Môi trường pháp luật chung cũng có nhiều thay đổi, từ sau năm 2010, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Giá… đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung có các nội dung liên quan đến lĩnh vực viễn thông. Do đó, Luật Viễn thông 2009 cần được xem xét, điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn với các luật khác đã có hoặc đang sửa.