Có phải tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 hay không? – Nghĩ Dũng (Bình Dương).
>> Đã thông qua Luật Viễn thông 2023: Nhiều điểm mới có lợi cho người dân
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 23/11/2023
Chiều ngày 24/11/2023, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 với 95,14% tán thành.
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 gồm 06 Chương, 34 Điều và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 [PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP sẽ cập nhật kịp thời toàn văn Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 TẠI ĐÂY (khi có)].
Các Luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV |
Đã thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023
Thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới. Hoàn thiện quy định về nội dung quản lý và xác định phạm vi bảo các vệ công trình quốc phòng và khu quân sự hiện hữu để làm cơ sở tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách đối với các khu vực bị hạn chế các hoạt động do yêu cầu của công tác bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự; thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.
- Bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với Hiến pháp 2013, Luật Quốc phòng 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; kết hợp hài hòa giữa hoạt động quản lý, bảo vệ với phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng trong quá trình phát triển của đất nước.
- Bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã được thực tiễn kiểm nghiệm thấy phù hợp; đồng thời, bổ sung những nội dung mới để điều chỉnh, giải quyết những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Qua các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai cho thấy, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện các loại hình chiến tranh mới, như: Chiến tranh thông tin, không gian mạng, sử dụng vũ khí công nghệ cao; phương thức, phạm vi không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến trong chiến tranh cũng có nhiều thay đổi, khó dự báo, đan xen với các yếu tố phi truyền thống; đồng thời, qua các cuộc chiến tranh cũng cho thấy, bên cạnh các yếu tố về lực lượng và vũ khí trang bị tham gia chiến tranh thì các công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong tác chiến phòng thủ. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải quan tâm xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống công trình quốc phòng và khu quân sự theo quyết tâm, kế hoạch, phương án tác chiến đã xác định; tổ chức quản lý, bảo vệ bảo đảm chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. |