PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 315: Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán qua bài viết sau đây:
Căn cứ theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 315: Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị (gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 315) (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), nội dung của Chuẩn mực kiểm toán số 315 tiếp tục được quy định như sau:
Hướng dẫn đoạn 11 (b) Chuẩn mực kiểm toán số 315 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
(i) Hiểu biết về đặc điểm của đơn vị giúp kiểm toán viên hiểu được các vấn đề như:
- Liệu đơn vị có cơ cấu tổ chức phức tạp, như có các công ty con hoặc đơn vị thành viên tại nhiều địa điểm khác nhau hay không. Cơ cấu tổ chức phức tạp thường dẫn đến những vấn đề có thể làm tăng rủi ro có sai sót trọng yếu. Những vấn đề đó có thể bao gồm liệu giá trị của lợi thế thương mại, các liên doanh, các khoản đầu tư hoặc các đơn vị có mục đích đặc biệt có được hạch toán phù hợp hay không.
- Quyền sở hữu và các mối quan hệ giữa các chủ sở hữu với những cá nhân hoặc đơn vị khác. Hiểu biết về vấn đề này giúp kiểm toán viên xác định được các giao dịch với các bên liên quan đã được ghi nhận và hạch toán phù hợp hay chưa. Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 550: Các bên liên quan (ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC) quy định và hướng dẫn kiểm toán viên xem xét các vấn đề đối với các bên liên quan.
(ii) Ví dụ về một số vấn đề mà kiểm toán viên có thể cần xem xét khi tìm hiểu về đặc điểm của đơn vị, bao gồm:
- Vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh như:
+ Bản chất của các nguồn doanh thu, sản phẩm hay dịch vụ, và các thị trường bao gồm cả thương mại điện tử như bán hàng và tiếp thị qua Internet.
+ Thực hiện các hoạt động (ví dụ: các giai đoạn và quy trình sản xuất, những hoạt động chịu tác động của rủi ro môi trường).
+ Liên doanh, liên kết và các hoạt động thuê ngoài.
+ Sự phân tán về mặt địa lý và phân khúc thị trường.
+ Địa điểm sản xuất, nhà kho, văn phòng, số lượng và địa điểm hàng tồn kho.
+ Các khách hàng chính và các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ chính, các thỏa thuận lao động (bao gồm tham gia công đoàn, hưu trí và các quyền lợi khác sau khi nghỉ việc, quyền mua cổ phiếu hoặc các ưu đãi khác và các quy định của Nhà nước liên quan đến người lao động).
+ Các hoạt động và chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.
+ Các giao dịch với các bên liên quan.
- Vấn đề liên quan đến các khoản đầu tư và các hoạt động đầu tư như:
+ Việc mua, bán hoặc chia tách doanh nghiệp đã được lập kế hoạch hoặc được thực hiện gần đây.
+ Mua, bán chứng khoán và các khoản nợ.
+ Các hoạt động đầu tư vốn.
+ Các khoản đầu tư vào các đơn vị không hợp nhất trong đó có công ty hợp danh, công ty liên doanh và các đơn vị có mục đích đặc biệt.
- Các thay đổi đáng kể của đơn vị so với các kỳ trước có thể làm phát sinh hoặc làm thay đổi rủi ro có sai sót trọng yếu.
- Vấn đề liên quan đến các khoản tài trợ và các hoạt động tài trợ như:
+ Các công ty con và các đơn vị liên kết lớn, kể cả các đơn vị được hợp nhất hay không hợp nhất.
+ Cơ cấu nợ và các điều khoản liên quan, bao gồm cả các thỏa thuận tài trợ và cho thuê tài chính được phản ánh ngoài Bảng cân đối kế toán.
+ Đối tượng thụ hưởng (trong nước, ngoài nước, uy tín kinh doanh và kinh nghiệm) và các bên liên quan.
+ Sử dụng các công cụ tài chính phái sinh.
- Vấn đề liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính như:
+ Các nguyên tắc kế toán và các thông lệ riêng của từng ngành, kể cả các ngành có đặc thù riêng (ví dụ, nguyên tắc áp dụng cho các khoản cho vay và đầu tư của ngân hàng, hay nghiên cứu và phát triển của ngành dược).
+ Cách thức ghi nhận doanh thu.
+ Kế toán giá trị hợp lý.
+ Các tài sản, các khoản nợ phải trả và các giao dịch có nguồn gốc ngoại tệ.
+ Kế toán các giao dịch bất thường hoặc phức tạp, bao gồm các giao dịch đang tranh cãi hay các lĩnh vực mới (ví dụ, kế toán cho khoản chi thưởng bằng cổ phiếu).
Chuẩn mực kiểm toán số 315 theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 315: Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán (Phần 12)
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
- Đơn vị có mục đích đặc biệt là một đơn vị được thành lập vì mục đích hẹp và đã xác định trước, như cho thuê tài sản hay chứng khoán hóa tài sản tài chính, hay để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đơn vị này có thể là doanh nghiệp, tổ chức tín thác, công ty hợp danh hoặc đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân. Đơn vị tạo lập ra đơn vị có mục đích đặc biệt thường chuyển giao tài sản cho đơn vị có mục đích đặc biệt (như một phần của giao dịch ghi giảm tài sản tài chính), tạo ra quyền sử dụng tài sản của đơn vị có mục đích đặc biệt, hay cung cấp dịch vụ cho đơn vị có mục đích đặc biệt, trong khi các bên khác có thể cấp vốn cho đơn vị có mục đích đặc biệt này. Theo hướng dẫn tại đoạn A7 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 550: Các bên liên quan (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), trong một số trường hợp, đơn vị có mục đích đặc biệt có thể là bên liên quan của đơn vị được kiểm toán.
- Các khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính thường quy định rõ các điều kiện cụ thể cho thấy mức độ kiểm soát hay tình huống cụ thể mà theo đó đơn vị có mục đích đặc biệt phải được hợp nhất báo cáo tài chính. Việc diễn giải các quy định trong khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính thường đòi hỏi phải có hiểu biết chi tiết về các thỏa thuận liên quan đến đơn vị có mục đích đặc biệt.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 315: Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán (Phần 13).