PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 315: Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán qua bài viết sau đây:
Căn cứ theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 315: Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị (gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 315) (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), nội dung của Chuẩn mực kiểm toán số 315 tiếp tục được quy định như sau:
Hướng dẫn đoạn 11(c) Chuẩn mực kiểm toán số 315 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
Việc tìm hiểu về các chính sách kế toán mà đơn vị lựa chọn áp dụng có thể bao gồm các vấn đề sau:
- Các phương pháp mà đơn vị sử dụng để hạch toán các giao dịch quan trọng và các giao dịch bất thường.
- Ảnh hưởng của các chính sách kế toán quan trọng đối với các vấn đề gây tranh cãi và các lĩnh vực mới do thiếu hướng dẫn cụ thể hay chưa thống nhất.
- Những thay đổi trong chính sách kế toán của đơn vị.
- Các chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính, pháp luật và các quy định mới đối với đơn vị và thời điểm, cách thức đơn vị thực hiện các yêu cầu này.
Chuẩn mực kiểm toán số 315 theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 315: Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán (Phần 13)
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hướng dẫn đoạn 11(d) Chuẩn mực kiểm toán 315 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
(i) Đơn vị hoạt động trong bối cảnh ngành nghề, các yếu tố liên quan đến quy định pháp luật và những yếu tố bên trong và bên ngoài khác. Để thích ứng với những yếu tố này, Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị phải đặt ra những mục tiêu để lập kế hoạch tổng thể cho đơn vị. Chiến lược là những phương pháp mà Ban Giám đốc sử dụng để đạt được mục tiêu đề ra. Mục tiêu và chiến lược của đơn vị có thể thay đổi theo thời gian.
(ii) Rủi ro kinh doanh thường rộng hơn và bao gồm cả rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Rủi ro kinh doanh có thể phát sinh từ những thay đổi trong đơn vị hoặc từ những hoạt động phức tạp của đơn vị. Việc không nhận biết được nhu cầu thay đổi cũng có thể làm phát sinh rủi ro kinh doanh. Rủi ro kinh doanh có thể phát sinh từ những vấn đề như:
- Chiến lược phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới không thành công.
- Thị trường không đủ lớn để tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ (kể cả thị trường đó đã được phát triển thành công).
- Những sai sót của sản phẩm hoặc dịch vụ có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị.
(iii) Hiểu biết về rủi ro kinh doanh mà đơn vị đối mặt sẽ làm tăng khả năng phát hiện rủi ro có sai sót trọng yếu, vì hầu hết những rủi ro kinh doanh sẽ gây ra hậu quả tài chính, do đó làm ảnh hưởng tới báo cáo tài chính của đơn vị. Tuy nhiên, kiểm toán viên không có trách nhiệm phải phát hiện hoặc đánh giá tất cả các loại rủi ro kinh doanh bởi vì không phải tất cả rủi ro kinh doanh đều làm phát sinh rủi ro có sai sót trọng yếu.
(iv) Khi tìm hiểu về mục tiêu, chiến lược cũng như rủi ro kinh doanh liên quan có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính của đơn vị, kiểm toán viên có thể cần quan tâm đến những vấn đề như:
- Sự phát triển ngành nghề (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: đơn vị không có đủ tiềm lực về con người cũng như năng lực chuyên môn để thích ứng với những thay đổi trong ngành mình đang hoạt động).
- Sản phẩm hoặc dịch vụ mới (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: trách nhiệm đối với sản phẩm tăng lên).
- Mở rộng phạm vi kinh doanh (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: ước tính nhu cầu thị trường không chính xác).
- Những yêu cầu mới về kế toán (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: thực hiện không đầy đủ, không đúng những yêu cầu mới về kế toán hoặc chi phí thực hiện tăng thêm).
- Những quy định pháp lý (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: trách nhiệm tuân thủ pháp luật sẽ tăng lên).
- Những yêu cầu về tài chính của đơn vị trong thời điểm hiện tại và trong tương lai (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: mất nguồn tài trợ vốn do đơn vị không đáp ứng được những yêu cầu).
- Sử dụng công nghệ thông tin (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: hệ thống và các thủ tục không tương thích với nhau.
- Ảnh hưởng của việc thực hiện một chiến lược, đặc biệt là những ảnh hưởng dẫn đến những yêu cầu kế toán mới (có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh liên quan như: việc thực hiện không đầy đủ hoặc không phù hợp).
(v) Một rủi ro kinh doanh có thể dẫn đến một rủi ro có sai sót trọng yếu đối với các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh ở cấp độ cơ sở dẫn liệu hoặc cấp độ báo cáo tài chính. Ví dụ, rủi ro kinh doanh xuất phát từ việc nguồn khách hàng bị thu hẹp có thể làm tăng rủi ro có sai sót trọng yếu trong việc đánh giá các khoản phải thu. Tuy nhiên, rủi ro này cũng có thể dẫn đến hậu quả dài hạn, nhất là trong một nền kinh tế suy thoái và kiểm toán viên phải cân nhắc khi đánh giá tính phù hợp của giả định đơn vị hoạt động liên tục. Do đó, để xác định một rủi ro kinh doanh có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu hay không, kiểm toán viên cần xem xét một cách cụ thể kết hợp với hoàn cảnh thực tế của đơn vị. Phụ lục số 02 của Chuẩn mực kiểm toán 315 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC cung cấp ví dụ về những tình huống và sự kiện dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu.
(vi) Thông thường, Ban Giám đốc xác định những rủi ro kinh doanh và đưa ra hướng giải quyết rủi ro. Quy trình đánh giá rủi ro như trên là một phần của kiểm soát nội bộ, được quy định tại đoạn 15 và hướng dẫn tại đoạn A79 - A80 Chuẩn mực kiểm toán 315 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 315: Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán (Phần 14)