Nhiều trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc có gửi văn bản nhờ Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, nhưng được trả lời là “…đề nghị làm theo quy định pháp luật…”.
>> Hạn ngạch thuế quan hàng dệt may xuất sang Mê-hi-cô theo Hiệp định CPTPP
Việc trả lời chung chung như vậy không giúp doanh nghiệp giải quyết được khó khăn, vướng mắc. Có phải mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản yêu cầu chấm dứt tình trạng trả lời chung chung là “…đề nghị làm theo quy định pháp luật…” không? – Cẩm Thanh (Bến Tre).
Hôm qua (Thứ 6 ngày 27/10/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; người đứng đầu thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, không rõ ràng dứt khoát, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Như vậy, với Chỉ thị nêu trên từ Thủ tướng Chính phủ thì Cơ quan có thẩm quyền không được phép trả lời chung chung, không cụ thể, như là “…đề nghị làm theo quy định pháp luật…” mà phải trả lời một cách rõ ràng để người dân, doanh nghiệp giải quyết được khó khăn, vướng mắc.
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN (MIỄN PHÍ) để sử dụng nhiều tiện ích quan trọng (tải file tài liệu, biểu mẫu…)
Chấm dứt tình trạng trả lời “…đề nghị làm theo quy định pháp luật…”
Đồng thời, tại Chỉ thị 27/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Thực hiện nghiêm việc báo cáo giải trình của người đứng đầu, xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị; thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Định kỳ hàng tháng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ; căn cứ kết quả đánh giá của Bộ chỉ số để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, tập trung hoàn thành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quy định miễn hoặc giảm phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử giai đoạn từ nay đến năm 2025 để khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Định kỳ 6 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện (lồng ghép trong báo cáo cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính). Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị này. |