Trong năm 2024, cách xử lý trong trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như thế nào? Mong được giải đáp chi tiết! – Hoàng Thùy (Quảng Ninh).
>> Quy định về giao hàng hóa và chứng từ liên quan đến hàng hóa 2024
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 19/12/2023
Trong năm 2024, cách xử lý trong trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được thực hiện theo Luật Thương mại 2005 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật Quản lý ngoại thương 2017 (sau đây gọi gọn là Luật Thương mại 2005).
Căn cứ Điều 39 Luật Thương mại 2005, trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại.
- Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng.
- Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua.
- Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.
Ngoài ra, bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng theo quy định nêu trên.
Toàn văn File word Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn (cập nhật ngày 20/12/2022) |
Cách xử lý trong trường hợp hàng hóa 2024 không phù hợp với hợp đồng (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 40 Luật Thương mại 2005, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng trong năm 2024 được quy định như sau:
(i) Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó.
(ii) Trừ trường hợp quy định tại khoản (i) nêu trên, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật Thương mại 2005, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro.
(iii) Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.
Căn cứ Điều 41 Luật Thương mại 2005, việc khắc phục trong trường hợp giao hàng không phù hợp với hợp đồng trong năm 2024 được thực hiện như sau:
(i) Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể mà bên bán giao hàng trước khi hết thời hạn giao hàng và giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì bên bán vẫn có thay thế hàng hoá cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá trong thời hạn còn lại.
(ii) Khi bên bán thực hiện việc khắc phục quy định tại khoản (i) nêu trên mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.
Điều 42. Giao chứng từ liên quan đến hàng hoá - Luật Thương mại 2005 1. Trường hợp có thỏa thuận về việc giao chứng từ thì bên bán có nghĩa vụ giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua trong thời hạn, tại địa điểm và bằng phương thức đã thỏa thuận. 2. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, địa điểm giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua thì bên bán phải giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua trong thời hạn và tại địa điểm hợp lý để bên mua có thể nhận hàng. 3. Trường hợp bên bán đã giao chứng từ liên quan đến hàng hoá trước thời hạn thỏa thuận thì bên bán vẫn có thể khắc phục những thiếu sót của các chứng từ này trong thời hạn còn lại. 4. Khi bên bán thực hiện việc khắc phục những thiếu sót quy định tại khoản 3 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó. Điều 43. Giao thừa hàng - Luật Thương mại 2005 1. Trường hợp bên bán giao thừa hàng thì bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó. 2. Trường hợp bên mua chấp nhận số hàng thừa thì phải thanh toán theo giá thoả thuận trong hợp đồng nếu các bên không có thoả thuận khác. |