Trong năm 2024, khi nào được coi là thương lượng tập thể không thành? Cụ thể vấn đề này được quy định tại văn bản pháp luật nào? Rất mong được giải đáp! – Thành Dương (Khánh Hòa).
>> Quy định về mở rộng phạm vi áp dụng thỏa ước lao động tập thể ngành 2024
>> Quy định về kỳ hạn trả lương, hình thức trả lương 2024
Trong năm 2024, các trường hợp được xem là thương lượng tập thể không thành được quy định tại Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể các trường hợp đó được nêu dưới bài viết này:
Theo Điều 71 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Điều 71. Thương lượng tập thể không thành
1. Thương lượng tập thể không thành thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 70 của Bộ luật này;
b) Đã hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này mà các bên không đạt được thỏa thuận;
c) Chưa hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này nhưng các bên cùng xác định và tuyên bố về việc thương lượng tập thể không đạt được thỏa thuận.
2. Khi thương lượng không thành, các bên thương lượng tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này. Trong khi đang giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đại diện người lao động không được tổ chức đình công.”
Theo đó, khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì việc thương lượng tập thể được xem là không thành:
- Một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu và nội dung thương lượng;
- Đã hết thời hạn 90 ngày kể từ ngày bắt đầu thương lượng (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác) mà các bên không đạt được thỏa thuận;
- Chưa hết thời hạn 90 ngày kể từ ngày bắt đầu thương lượng (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác) nhưng các bên cùng xác định và tuyên bố về việc thương lượng tập thể không đạt được thỏa thuận.
Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ 18/9/2023)
Các trường hợp thương lượng tập thể 2024 không thành (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động (theo khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019).
Căn cứ theo Điều 192 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trình tự thủ tục tranh chấp về quyền như sau:
- Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019.
Đối với tranh chấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì hòa giải viên lao động lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:
+ Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Lao động 2019;
+ Yêu cầu Tòa án giải quyết.
Căn cứ theo điểu 196 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích như sau:
- Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về lợi ích được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019.
- Trường hợp hòa giải thành, biên bản hòa giải thành phải bao gồm đầy đủ nội dung các bên đã đạt được thỏa thuận, có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Biên bản hòa giải thành có giá trị pháp lý như thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.
- Trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:
+ Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Lao động 2019;
+ Tổ chức đại diện người lao động có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các Điều 200, Điều 201 và Điều 202 Bộ luật Lao động 2019 để đình công.
[Xem chi tiết nội dung tại đây].