Theo quy định mới từ ngày 01/7/2024 thì trường hợp nào không phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước? Trân trọng cảm ơn! – Văn Khang (Bà Rịa – Vũng Tàu).
>> 40 vắc xin, sinh phẩm được cấp, gia hạn đăng ký lưu hành tại Việt Nam (đợt 50)
>> Thủ tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch về tài nguyên nước từ 01/7/2024
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 54/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên nước 2023 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. Theo đó, các trường hợp không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước được quy định tại Điều 7 Nghị định 54/2024/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Bao gồm các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước sau đây:
(i) Khai thác nước cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng.
(ii) Khai thác nước cho sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnh do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật.
(iii) Khai thác nước biển để sử dụng cho sản xuất muối.
(iv) Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động trên biển.
(v) Hoạt động sử dụng mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo quy định của pháp luật về thủy lợi.
Toàn văn File word Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
Các trường hợp không phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ 01/7/2024
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Các trường hợp khai thác nước có quy mô nhỏ quy định tại các điểm b, c, g và các trường hợp quy định tại điểm l khoản 3 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước 2023 bao gồm:
(i) Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác để sử dụng nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), thi công xây dựng công trình có quy mô không vượt quá 100 m³/ngày đêm.
(ii) Khai thác nước mặt cho mục đích sinh hoạt có quy mô không vượt quá 100 m³/ngày đêm; khai thác nước mặt cho mục đích sinh hoạt có quy mô không vượt quá 200 m³/ngày đêm đối với khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
(iii) Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,01 triệu m³; công trình khai thác nước mặt khác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô không vượt quá 0,1 m³/giây.
Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,01 triệu m³ có quy mô khai thác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vượt quá 0,1 m³/giây hoặc có các mục đích khai thác nước khác có quy mô vượt quá quy định tại khoản (i), (ii) và (iv) thì phải thực hiện đăng ký, cấp phép theo quy định.
(iv) Khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 Kw.
(v) Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền có quy mô không vượt quá 10.000 m³/ngày đêm.
Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 3 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước 2023 với diện tích mặt nước sử dụng có quy mô không vượt quá 100 m² (trừ sử dụng mặt nước tại các khu, điểm du lịch).
Đào hồ, ao, kênh, mương, rạch quy mô nhỏ để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan thuộc trường hợp quy định tại điểm i khoản 3 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước 2023, bao gồm:
(i) Đào hồ, ao có quy mô diện tích mặt nước không vượt quá 500 m².
(ii) Đào kênh, mương, rạch với lưu lượng dẫn nước có quy mô không vượt quá 0,1 m³/giây hoặc bề rộng đáy không vượt quá 0,5 m.
(iii) Tổ chức, cá nhân có hoạt động quy định tại khoản (i), (ii) nêu trên và điểm i, k, l khoản 2 Điều 8 Nghị định 54/2024/NĐ-CP phải đảm bảo các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, giao thông, thủy lợi, khoáng sản và pháp luật khác có liên quan; trường hợp quy định tại khoản (i), (ii) nêu trên có khai thác nước để sử dụng cho các mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký, cấp phép thì phải thực hiện đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước theo quy định.
Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan (trừ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện) là công trình tạm, thời vụ có thời gian sử dụng liên tục không quá 3 tháng.
Tổ chức, cá nhân khai thác nước cho sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnh theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 52 Luật Tài nguyên nước 2023. Đối với công trình có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải thực hiện đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước thì sau khi kết thúc thời gian nêu trên phải dừng ngay việc khai thác và trong thời gian không quá 30 ngày, phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình về việc khai thác nước tại công trình.
(i) Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục khai thác mà quy mô khai thác nước thuộc trường hợp phải thực hiện kê khai, đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước thì thực hiện kê khai, đăng ký, cấp phép theo quy định.
(ii) Trường hợp tổ chức, cá nhân không có kế hoạch tiếp tục khai thác thì phải thực hiện trám lấp giếng hoặc tháo dỡ công trình theo quy định.
Như vậy, Nghị định 54/2024/NĐ-CP đã hướng dẫn Luật Tài nguyên nước 2023 một cách cụ thể hơn so với quy định hiện hành; cũng như bổ sung nhiều nội dung mới, trong đó có việc sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch để kinh doanh không vượt quá quy mô cho phép (trừ các khu, điểm du lịch) sẽ không cần phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Với quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh, phát triển kinh tế địa phương.