Văn bản hợp nhất không phải là văn bản quy phạm pháp luật, vậy doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung có được sử dụng văn bản hợp nhất không? – Thúy Vy (TP. Hồ Chí Minh).
>> 258 Luật/Bộ luật đang có hiệu lực và sắp có hiệu lực thi hành
>> 08 Luật mới sắp có hiệu lực thi hành
Căn cứ Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không có văn bản hợp nhất. Tuy nhiên, trong văn bản hợp nhất lại chứa các quy phạm pháp luật và có tính bắt buộc thi hành. Sau đây là một số lưu ý khi sử dụng văn bản hợp nhất:
Theo Điều 4 Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012, văn bản hợp nhất được sử dụng chính thức trong việc áp dụng và thi hành pháp luật. Văn bản hợp nhất là văn bản được hình thành sau khi hợp nhất văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung (Căn cứ khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012).
Toàn văn File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Các lưu ý khi sử dụng văn bản hợp nhất năm 2023 (Ảnh minh họa)
Theo Điều 9 Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012, việc xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất như sau:
- Trong trường hợp do sai sót về kỹ thuật dẫn đến nội dung của văn bản hợp nhất khác với nội dung của văn bản được hợp nhất thì áp dụng các quy định của văn bản được hợp nhất.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có sai sót trong văn bản hợp nhất gửi kiến nghị đến cơ quan thực hiện việc hợp nhất để kịp thời xử lý; trường hợp không xác định được cơ quan thực hiện việc hợp nhất thì gửi kiến nghị đến Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp thông báo ngay đến cơ quan có trách nhiệm xử lý sai sót.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan thực hiện việc hợp nhất phối hợp với cơ quan Công báo xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất và thực hiện việc đính chính trên Công báo theo quy định của pháp luật về Công báo.
Văn bản hợp nhất đã được xử lý sai sót phải được đăng trên Công báo điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan theo quy định của pháp luật.
- Theo quy định thì trong trường hợp do sai sót về kỹ thuật dẫn đến nội dung của văn bản hợp nhất khác với nội dung của văn bản được hợp nhất thì áp dụng các quy định của văn bản được hợp nhất. Do đó, người dân và doanh nghiệp cần lưu ý điều này, nên xem qua các nội dung của văn bản được hợp nhất nhằm dự phòng có sai sót trong khâu kỹ thuật của văn bản hợp nhất thì không bị áp dụng sai quy định của pháp luật.
- Ví dụ: Hiện nay, có 02 văn bản hợp nhất Luật Đầu tư, đó là: (1) Văn bản hợp nhất Luật Đầu tư số 38/VBHN-VPQH ngày 07/12/2020, (2) Văn bản hợp nhất Luật Đầu tư số 03/VBHN-VPQH ngày 25/01/2022. Khi sử dụng văn bản hợp nhất thì người dân và doanh nghiệp cần sử dụng Văn bản hợp nhất được ban hành sau (ở đây là Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-VPQH), vì Văn bản hợp nhất trước đó (Văn bản hợp nhất số 38/VBHN-VPQH) chưa cập nhật nội dung của Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2022.
Và cũng cần lưu ý thêm, nếu chỉ áp dụng Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-VPQH là chưa đủ, mà còn phải xem thêm Luật Điện ảnh 2022, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Luật số 09/2022/QH15 ngày 09/11/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện (vì các Luật này đã sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nhưng chưa được cập nhật trong Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-VPQH).