Hiện nay, có trường hợp nào mà hợp đồng nhà đất không cần công chứng, chứng thực vẫn có hiệu lực pháp lý không? – Thanh Nhã (Bắc Giang).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 18/05/2023
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 17/05/2023
Về nguyên tắc, các loại hợp đồng nhà đất phải được công chứng, chứng thực theo quy định. Tuy nhiên, trong những trường hợp sau đây thì hợp đồng nhà đất không bắt buộc phải công chứng, chứng thực nhưng vẫn có hiệu lực:
Căn cứ khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định nêu trên thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
Luật Đất đai và văn bản sửa đổi, hướng dẫn còn hiệu lực thi hành |
Các loại hợp đồng nhà đất không cần công chứng, chứng thực vẫn có hiệu lực (Ảnh minh họa)
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, hợp đồng kinh doanh bất động sản trong các trường hợp sau được công chứng, chứng thực theo sự thỏa thuận giữa các bên (không bắt buộc phải công chứng, chứng thực), trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì phải công chứng hoặc chứng thực:
- Hợp đồng mua bán nhà, công trình xây dựng.
- Hợp đồng cho thuê nhà, công trình xây dựng.
- Hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng.
- Hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất.
- Hợp đồng chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản.
Điều 9. Điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh - Luật Kinh doanh bất động sản 2014 1. Nhà, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Có đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Đối với nhà, công trình xây dựng có sẵn trong dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; b) Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất; c) Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án. 2. Các loại đất được phép kinh doanh quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; b) Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; d) Trong thời hạn sử dụng đất. Điều 10. Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản - Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Đầu tư 2020). 1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật. 3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. |