Có phải từ ngày 01/4/2024 sẽ áp dụng Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA về phương tiện phòng cháy chữa cháy hay không? Cụ thể vấn đề này là như thế nào? – Huỳnh Như (Bình Dương).
>> 03 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện giao thông đường sắt (mới)
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 07/11/2023
Ngày 30/10/2023, Bộ Công an ban hành Thông tư 56/2023/TT-BCA Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về "Phương tiện Phòng cháy và chữa cháy".
Theo đó, từ ngày 01/4/2024, các nội dung liên quan đến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Phương tiện Phòng cháy và chữa cháy sẽ thực hiện theo các quy định tại Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA ban hành kèm theo Thông tư 56/2023/TT-BCA.
Quy chuẩn này sẽ thay thế cho Quy Chuẩn QCVN 03:2021/BCA ban hành kèm theo Thông tư 123/2021/TT-BCA.
Được biết, Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chủ trì biên soạn, Bộ Khoa học và công nghệ thẩm định, Bộ Công an ban hành kèm theo Thông tư 56/2023/TT-BCA.
Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA quy định các yêu cầu về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và quản lý về hoạt động kiểm định các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục phải kiểm định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào lưu thông tại Việt Nam.
Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA không áp dụng cho phương tiện phòng cháy và chữa cháy nhập khẩu dưới dạng hàng mẫu, hàng trưng bày triển lãm, hội chợ; hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam.
Toàn văn File Word Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng các văn bản hướng dẫn (đang có hiệu lực thi hành) |
Áp dụng Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA về phương tiện phòng cháy chữa cháy (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
Tại Tiểu mục 1.2 Mục 1 Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA ban hành kèm theo Thông tư 56/2023/TT-BCA có quy định về đối tượng áp dụng đối với phương tiện phòng cháy và chữa cháy
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
- Cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
- Cơ quan, tổ chức có liên quan về quản lý chất lượng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Tại Tiểu mục 1.5 Mục 1 Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA ban hành kèm theo Thông tư 56/2023/TT-BCA có quy định yêu cầu chung đối với phương tiện phòng cháy và chữa cháy như sau:
- Loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy do các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu kê khai, khai báo phải phù hợp với danh mục phương tiện quy định tại Phần 2 của Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA. Trường hợp chưa rõ chủng loại phương tiện, cần phối hợp với cơ quan quản lý có thẩm quyền để định danh chủng loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
- Phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải được quản lý, bảo quản, bảo dưỡng theo quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải được kiểm định phù hợp với các quy định của Quy chuẩn này và các quy định nêu tại các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy có liên quan.
Trong Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Fire protection equipments):
Phương tiện cơ giới, thiết bị, máy móc, dụng cụ, hóa chất, công cụ hỗ trợ chuyên dùng cho việc phòng cháy và chữa cháy, cứu người, cứu tài sản.
- Máy bơm chữa cháy (Fire Pump):
Bộ thiết bị lắp ráp bao gồm phần bơm, phần động cơ truyền động, cơ cấu điều khiển (nếu có) và các phụ kiện, khi làm việc tạo ra áp lực và lưu lượng chất chữa cháy dùng để chữa cháy.
- Vòi chữa cháy (Fire Hose):
Đường ống dẫn mềm chịu áp lực dùng để truyền chất chữa cháy đến đám cháy.
Vòi chữa cháy có cấu tạo gồm thân vòi và đầu nối.
- Lăng chữa cháy (Spray Nozzles):
Thiết bị chữa cháy cầm tay được kết nối trực tiếp với vòi chữa cháy hoặc thông qua đầu nối chữa cháy để phun chất chữa cháy.
Lăng chữa cháy có cấu tạo gồm thân lăng và khớp nối.
- Trụ nước chữa cháy (Fire Hydrant):
Thiết bị chuyên dùng được lắp đặt vào hệ thống đường ống cấp nước dùng để lấy nước phục vụ chữa cháy. Trụ nước chữa cháy bao gồm các bộ phận chính như van, thân trụ và họng chờ có kích thước theo tiêu chuẩn.
- Đầu nối chữa cháy (fire hose couplings):
Thiết bị sử dụng để kết nối các vòi chữa cháy với nhau, kết nối vòi chữa cháy với các thiết bị chữa cháy khác.
- Bình chữa cháy (Fire Extinguisher):
Thiết bị chứa chất chữa cháy có thể phun và hướng chất chữa cháy vào đám cháy bằng tác động của áp suất khí nén.
Khí nén dùng để đẩy chất chữa cháy vào đám cháy có thể được nén trực tiếp và trộn lẫn với chất chữa cháy hoặc có thể được nén trong bình chứa độc lập.
- Bình chữa cháy xách tay (Portable Fire Extinguisher):
Bình chữa cháy được thiết kế để mang và vận hành chữa cháy bằng tay, có khối lượng tổng không lớn hơn 20 kg.
- Bình chữa cháy có bánh xe (Wheeled Fire Extinguisher):
Bình chữa cháy được đặt trên bánh xe có khối lượng tổng lớn hơn 20kg đến 450kg được thiết kế để có thể vận hành và vận chuyển đến đám cháy bởi một người.
- Bình bột chữa cháy tự động kích hoạt (Automatic Diffusion Dry-powder Fire Extinguisher):
Bình chữa cháy sử dụng chất chữa cháy là bột chữa cháy và tự động kích hoạt khi có tác động của nhiệt độ môi trường hoặc ngọn lửa của đám cháy đủ lớn vượt quá ngưỡng tác động kích hoạt (nhiệt độ làm việc).
Việc phun chất chữa cháy có thể được thực hiện bằng:
+ Khí đẩy nén trực tiếp trong bình (áp suất bên trong bình chứa chất chữa cháy không đổi).
+ Hoạt động của chai khí đẩy (sự tăng áp tại thời điểm sử dụng bằng cách giải phóng khí có áp trong một chai chứa riêng có áp suất cao).
- Bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo (Hanging Type Automatic Diffusion Dry-powder Fire Extinguisher):
Bình bột chữa cháy tự động kích hoạt được thiết kế có cơ cấu treo (trần, tường, dưới mái...).
- Bình khí chữa cháy tự động kích hoạt (Automatic activated fire extinguisher):
Thiết bị gồm bình chứa khí chữa cháy và các bộ phận khác có liên quan tự động xả khí chữa cháy khi có tác động của nhiệt độ vượt quá ngưỡng tác động kích hoạt của bộ phận cảm biến nhiệt (gọi tắt là bình khí).