Dưới đây là các trường hợp chấm dứt hoạt động kho ngoại quan, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan và quy định về địa bàn hoạt động hải quan.
Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 68/2016/NĐ-CP, các trường hợp chấm dứt hoạt động kho ngoại quan:
(i) Doanh nghiệp không duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định 68/2016/NĐ-CP hoặc chấm dứt hoạt động của chủ kho cũ trong trường hợp chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan.
(ii) Doanh nghiệp có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động kho ngoại quan gửi Tổng cục Hải quan.
(iii) Quá thời hạn 06 tháng kể từ khi có quyết định công nhận nhưng doanh nghiệp không đưa kho ngoại quan vào hoạt động.
(iv) Quá thời hạn tạm dừng hoạt động nêu tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 68/2016/NĐ-CP nhưng doanh nghiệp không có văn bản thông báo hoạt động trở lại.
(v) Trong 12 tháng doanh nghiệp 03 lần vi phạm hành chính về hải quan liên quan đến hoạt động của kho ngoại quan và bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho mỗi lần vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan.
Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Các trường hợp chấm dứt hoạt động kho ngoại quan (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1, khoản 4 và khoản 5 Điều 63 Luật Hải quan 2014, doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan có quyền và nghĩa vụ sau đây:
(i) Doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan có các quyền sau đây:
- Thực hiện hợp đồng nhận hàng hóa gửi kho ngoại quan.
- Được di chuyển hàng hóa trong kho ngoại quan theo thỏa thuận với chủ hàng hóa.
(ii) Doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan có nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện yêu cầu kiểm tra hàng hóa của cơ quan hải quan. Định kỳ 03 tháng một lần, doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan phải thông báo bằng văn bản với Cục Hải quan đang quản lý kho ngoại quan về hiện trạng hàng hóa và tình hình hoạt động của kho ngoại quan.
- Thực hiện chế độ kế toán, thống kê, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật quản lý hàng hóa bằng phương thức điện tử và nối mạng với cơ quan hải quan để thực hiện việc kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định Luật Hải quan 2014.
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về hoạt động của kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ.
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Luật Hải quan 2014, địa bàn hoạt động hải quan bao gồm:
(i) Khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế.
(ii) Cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
(iii) Khu vực đang lưu giữ hàng hóa chịu sự giám sát hải quan, khu chế xuất, khu vực ưu đãi hải quan.
(iv) Các địa điểm làm thủ tục hải quan, kho ngoại quan, kho bảo thuế, bưu điện quốc tế, trụ sở người khai hải quan khi kiểm tra sau thông quan.
(v) Các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ hải quan.
(vi) Khu vực, địa điểm khác đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, được phép xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Lưu ý: Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (theo khoản 2 Điều 7 Luật Hải quan 2014).