03 trường hợp không cần lập báo cáo tài chính 2024: Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo % doanh thu, doanh nghiệp gộp kỳ kế toán, và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
>> Những lưu ý khi lập báo cáo tài chính để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính
>> Những lưu ý khi nộp và công khai báo cáo tài chính 2024 để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ khoản 1 Điều 99 Thông tư 200/2014/TT-BTC, báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp thuộc một trong ba trường hợp sau đây không cần lập báo cáo tài chính 2024:
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 điều 18 Thông tư 132/2018/TT-BTC, doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế.
Thay vào đó, doanh nghiệp này sẽ thực hiện các báo cáo theo quy định của pháp luật thuế. Thời gian lập và nộp báo cáo thực hiện theo quy định của pháp luật thuế.
Lưu ý:
(i) Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng:
- Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm: không quá 10 người.
- Tổng doanh thu của năm: không quá 3 tỷ đồng.
- Tổng nguồn vốn của năm: không quá 3 tỷ đồng.
(ii) Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ:
- Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm: không quá 10 người.
- Tổng doanh thu của năm: không quá 10 tỷ đồng.
- Tổng nguồn vốn của năm: không quá 3 tỷ đồng.
(Khoản 1 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP)
[TIỆN ÍCH] Mẫu văn bản nâng cao (hướng dẫn ghi & tải về các mẫu đơn) |
03 trường hợp doanh nghiệp không cần lập báo cáo tài chính 2024 (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 4 Điều 12 Luật Kế toán 2015, nếu kỳ kế toán năm đầu hoặc cuối ngắn hơn 90 ngày, có thể cộng dồn với kỳ kế toán liền kề trước hoặc sau để tính thành một kỳ kế toán năm. tuy nhiên kỳ kế toán sau khi gộp không được quá 15 tháng.
Đồng thời căn cứ khoản 3 Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC, quy định như sau:
Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo (đối với doanh nghiệp mới thành lập) hoặc kỳ tính thuế năm trước đó (đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản) để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu tiên hoặc kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm cuối cùng không vượt quá 15 tháng.
Như vậy, doanh nghiệp mới thành lập không cần phải nộp báo cáo tài chính năm đầu tiên hoặc doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản không cần nộp báo cáo tài chính năm cuối cùng nếu kỳ tính thuế ngắn hơn 03 tháng được gộp kỳ kế toán theo quy định nêu trên.
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì không phải nộp báo cáo tài chính 2024.