Thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có cần đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội hay không?
- Thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
- Hồ sơ đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam bao gồm những gì?
- Mẫu Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động mới nhất hiện nay?
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có cần đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ngoại trừ các đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP bao gồm:
- Người lao động nước ngoài đã đủ tuổi nghỉ hưu.
- Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp
Thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam như thế nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 143/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
Trình tự, thủ tục tham gia, giải quyết bảo hiểm xã hội
1. Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội và trình tự, thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện theo trình tự, thủ tục đối với lao động Việt Nam và thực hiện theo quy định tại Chương VII của Luật bảo hiểm xã hội; Điều 57, 58, 59, 60, 61 và 62 của Luật an toàn, vệ sinh lao động; Điều 5 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP; Điều 9, 10, 13, 14, 17, 18, 21, 22, 25 và Điều 26 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP trừ quy định tại khoản 3 Điều này và Điều 16 của Nghị định này.
...
Theo đó, thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội lần đầu cho người lao động nước ngoài theo Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Bước 1: Nộp hồ sơ
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Bước 2: Giải quyết hồ sơ
Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp thẻ bảo hiểm xã hội trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp không cấp thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hồ sơ đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam bao gồm những gì?
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 143/2018/NĐ-CP dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:
- Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;
- Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
Mẫu Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động mới nhất hiện nay?
Mẫu Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động là Mẫu TK1-TS được ban hành kèm theo Ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa đổi bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020.
Dưới đây là hình ảnh mẫu Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
Tải Mẫu Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động mới nhất hiện nay. Tải về
Hướng dẫn viết Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động
Mục I: Áp dụng đối với người tham gia tra cứu không thấy mã số BHXH bắt buộc kê khai từ chỉ tiêu [1] đến chỉ tiêu [11] (trừ chỉ tiêu [8] để tham gia BHXH, BHYT như sau:
[01]. Họ và tên: Ghi đầy đủ họ, chữ đệm và tên bằng chữ in hoa có dấu của người tham gia.
[02]. Giới tính: Ghi giới tính của người tham gia (nếu là nam thì ghi từ “nam” hoặc nếu là nữ thì ghi từ “nữ”).
[03]. Ngày, tháng, năm sinh: Ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh như trong giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu.
[04]. Quốc tịch: Ghi quốc tịch của người tham gia như trong giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu.
[05]. Dân tộc: Ghi dân tộc của người tham gia như trong giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu.
[06]. Số CMND/CCCD/Hộ chiếu: Ghi số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của người tham gia được cơ quan có thẩm quyền cấp (bao gồm cả trẻ em dưới 6 tuổi được cấp số định danh cá nhân).
[07]. Điện thoại: Ghi số điện thoại của người tham gia hoặc số điện thoại để liên hệ với người tham gia.
[08]. Email: Ghi địa chỉ thư điện tử của người tham gia hoặc địa chỉ thư điện tử để liên hệ với người tham gia (nếu có).
[09]. Nơi đăng ký khai sinh: Ghi rõ tên xã (phường/thị trấn); huyện (quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh); tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) đã đăng ký khai sinh của người tham gia. Trường hợp chưa xác định được nơi đăng ký khai sinh thì ghi nguyên quán hoặc ghi địa chỉ hộ khẩu thường trú/tạm trú (theo 3 cấp tương tự nơi đăng ký khai sinh);
[10]. Họ tên cha/mẹ/giám hộ (đối với trẻ em dưới 6 tuổi): Ghi họ tên cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với người tham gia là trẻ em dưới 6 tuổi.
[11]. Địa chỉ nhận kết quả: Ghi cụ thể, đầy đủ địa chỉ nơi đang sinh sống (số nhà, đường/phố, thôn/xóm; xã/phường/ thị trấn; huyện/ quận/ thị xã/ thành phố thuộc tỉnh; tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương) để cơ quan BHXH trả hồ sơ, sổ BHXH, thẻ BHYT hoặc kết quả giải quyết thủ tục hành chính khác.
[12]. Kê khai Phụ lục Thành viên hộ gia đình (phụ lục kèm theo) đối với người tham gia tra cứu không thấy mã số BHXH và người tham gia BHYT theo hộ gia đình để giảm trừ mức đóng theo hướng dẫn.
Mục II: Áp dụng đối với người tham gia tra đã có mã số BHXH đề nghị đăng ký, điều chỉnh thông tin ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT (người lao động đăng ký lần đầu không cần ghi mục này)
Phụ lục Thành viên hộ gia đình
a) Phần thông tin chung: Ghi đầy đủ họ và tên chủ hộ; Số sổ hộ khẩu/sổ tạm trú; Mã số hộ gia đình (nếu có và đúng thông tin chủ hộ, thành viên hộ gia đình); Điện thoại liên hệ; Địa chỉ hộ gia đình ghi trên sổ hộ khẩu/ sổ tạm trú.
b) Bảng thông tin thành viên hộ gia đình (trường hợp xác định được mã số hộ gia đình thì không phải kê khai bảng thông tin này):
- Cột A: Ghi số thứ tự từ 1 đến hết các thành viên trong hộ gia đình của người tham gia.
- Cột B: Ghi đầy đủ họ, chữ đệm và tên của từng thành viên hộ gia đình (bao gồm cả chủ hộ gia đình).
- Cột 1: Ghi mã số BHXH của từng thành viên hộ gia đình đã được cơ quan BHXH cấp.
- Cột 2: Ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh như trong giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của từng thành viên hộ gia đình.
- Cột 3: Ghi giới tính của từng thành viên hộ gia đình (nếu là nam thì ghi từ “nam” hoặc nếu là nữ thì ghi từ “nữ”).
- Cột 4: Ghi quốc tịch của từng thành viên hộ gia đình như trong giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu.
- Cột 5: Ghi dân tộc của từng thành viên hộ gia đình như trong giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu.
- Cột 6: Ghi rõ, đầy đủ tên xã (phường/thị trấn); huyện (quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh); tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) đã đăng ký khai sinh cho từng thành viên hộ gia đình. Trường hợp chưa xác định được nơi đăng ký khai sinh thì ghi nguyên quán hoặc ghi địa chỉ hộ khẩu thường trú/tạm trú.
- Cột 7: Ghi mối quan hệ với chủ hộ gia đình của từng thành viên hộ gia đình.
- Cột 8: Ghi số CMND/CCCD/Hộ chiếu của từng thành viên hộ gia đình được cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Cột 9: Ghi số điện thoại của từng thành viên hộ gia đình và những nội dung cần ghi chú.
Sau khi hoàn tất việc kê khai:
+ Người tham gia ghi nội dung: tự nguyện kê khai, cung cấp giấy tờ liên quan để đảm bảo chính xác thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã kê khai; Ký và ghi rõ họ tên.
Lưu ý: Trường hợp sáp nhập, chia tách địa giới hành chính thì ghi theo tên địa danh tại thời điểm kê khai.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?