Thôn đội trưởng là gì? Thôn đội trưởng được hưởng những khoản phụ cấp nào?
Thôn đội trưởng là gì?
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa thế nào là thôn đội trưởng, nhưng căn cứ theo quy định tại Điều 18 Luật Dân quân tự vệ 2019 thì thôn đội trưởng là một trong các chức vụ thuộc hệ thống chỉ huy dân quân tự vệ. Cụ thể, thôn đội trưởng là người chỉ huy đội dân quân tự vệ ở thôn, ấp, tổ dân phố, khu phố, bản, làng,... (gọi chung là thôn).
Thôn đội trưởng (Hình từ Internet)
Thôn đội trưởng được hưởng những khoản phụ cấp nào?
Thôn đội được hưởng hai khoản phụ cấp là phụ cấp chức vụ và phụ cấp hằng tháng, các khoản phụ cấp đó được quy định như sau:
Thứ nhất, phụ cấp chức vụ:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 72/2020/NĐ-CP thì phụ cấp chức vụ của thôn đội trưởng là 178.800 đồng, nếu thôn đội trưởng kiêm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng thì được hưởng thêm 29.800 đồng hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng.
Thời gian thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp chức vụ sẽ tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm thôn đội trưởng và thực hiện cho đến ngày có quyết định thôi giữ chức vụ. Trong trường hợp thôn đội trưởng giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp chức vụ của tháng đó.
Thứ hai, phụ cấp hàng tháng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 72/2020/NĐ-CP thì mức phụ cấp hàng tháng của thôn đội trưởng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng cần lưu ý, mức phụ cấp này không được thấp hơn 745.000 đồng.
Từ quy định trên, có thể thấy mức phụ cấp hàng tháng của thôn đội trưởng ở mỗi địa phương là khác nhau vì sẽ tùy thuộc vào tình hình kinh tế và nguồn kinh phí ngân sách tiền lương của địa phương đó.
Nhiệm vụ của thôn đội trưởng là gì?
Nhiệm vụ của thôn đội trưởng được quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 29/2020/TT-BQP gồm các nhiệm vụ sau:
Tham mưu cho cấp ủy, chi bộ thôn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở thôn;
Quản lý, chỉ huy trực tiếp dân quân thuộc quyền;
Phối hợp thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Thực hiện nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao.
Ai có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm thôn đội trưởng?
Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm thôn đội trưởng được quy định cụ thể tại Điều 23 Luật Dân quân tự vệ 2019 như sau:
Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ
1. Thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, trừ chức vụ chỉ huy tự vệ trong doanh nghiệp quân đội được quy định như sau:
a) Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy tiểu đoàn, hải đoàn Dân quân tự vệ;
b) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm chức vụ chỉ huy đại đội, hải đội Dân quân tự vệ; Tư lệnh Quân chủng Hải quân quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy hải đội tự vệ thuộc quyền quản lý;
c) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định bổ nhiệm Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng và Khẩu đội trưởng Dân quân tự vệ;
d) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức;
đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
2. Miễn nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được quy định như sau:
a) Miễn nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ khi thay đổi vị trí công tác, thay đổi tổ chức mà không còn biên chế chức vụ đang đảm nhiệm hoặc không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện thực hiện chức vụ hiện tại;
b) Cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm chức vụ nào thì có quyền quyết định miễn nhiệm chức vụ đó.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ tại Điều này và thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp quân đội; quy định sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ trong trường hợp cần thiết.
Từ quy định trên, có thể thấy, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện là người có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm cũng như miễn nhiệm chức danh thôn đội trưởng chỉ huy dân quân tự vệ.
Việc miễn nhiệm thôn đội trưởng này xảy ra khi có sự thay đổi vị trí công tác, thay đổi tổ chức mà không còn biên chế thôn đội trưởng nữa hoặc thôn đội trưởng đó không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện thực hiện chức vụ hiện tại.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?