Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm thay đổi như thế nào theo Dự thảo Luật Việc làm mới nhất?
Nguyên nhân nào dẫn đến sự sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm 2013?
Luật Việc làm 2013 là văn bản luật đầu tiên quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết và không có giao kết hợp đồng lao động).
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Việc làm 2013 đã bộc lộ những khó khăn, bất cập như:
- Một số các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan như: Các quy định về đăng ký và quản lý lao động, về độ tuổi người lao động chưa phù hợp với Bộ luật Lao động 2019; quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2014; quy định về điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm không còn phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch 2017.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đang trong quá trình sửa đổi, đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), trong đó có một số nội dung liên quan về Bảo hiểm thất nghiệp cần sửa đổi trong Luật Việc làm 2013 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
- Các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội:
Chưa có quy định chính sách trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm; thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số;...
Đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm 2013 chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động; chính sách Bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến giải pháp phòng ngừa thất nghiệp; một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng Bảo hiểm thất nghiệp không còn phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Thiếu các quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong phát triển kỹ năng nghề, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là nhân lực trình độ cao; tổ chức hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ quốc gia còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...
- Một số quy định của Luật Việc làm 2013 chưa bảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Luật Việc làm 2013 quy định về dịch vụ việc làm bao gồm các hoạt động tại khoản 1 Điều 36, chưa bao phủ hết các hoạt động theo Công ước số 88 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về dịch vụ việc làm mà Việt Nam đã tham gia. Công ước số 88 của ILO nhấn mạnh dịch vụ việc làm phải được hợp thành một hệ thống quốc gia bao gồm một mạng lưới các cơ quan dịch vụ việc làm địa phương hoặc vùng. Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm hoạt động chưa có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, hoạt động giữa các Trung tâm còn hạn chế và chưa thể hiện nguyên tắc thống nhất về hoạt động nghiệp vụ.
Xuất phát từ những lý do, yêu cầu nêu trên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc sửa đổi Luật Việc làm 2013 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Xem chi tiết tại: https://baochinhphu.vn/sua-doi-luat-viec-lam-huong-toi-bao-dam-viec-lam-ben-vung-cho-tat-ca-lao-dong-102240318165341203.htm.
Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm thay đổi như thế nào theo Dự thảo Luật Việc làm mới nhất?
Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm thay đổi như thế nào theo Dự thảo Luật Việc làm mới nhất?
Căn cứ theo Điều 10 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Tín dụng ưu đãi tạo việc làm
Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.
Căn cứ Điều 10 Dự thảo Luật Việc làm quy định như sau:
Tín dụng chính sách giải quyết việc làm
Nhà nước thực hiện tín dụng chính sách để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và các nguồn tín dụng khác.
Căn cứ theo Điều 11 Dự thảo Luật Việc làm quy định như sau:
Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm
1. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm gồm:
a) Quỹ quốc gia về việc làm;
b) Nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội;
c) Nguồn huy động của Ngân hàng chính sách xã hội được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công;
d) Nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội.
2. Hằng năm, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định bố trí vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn hợp pháp, giao Ủy ban nhân dân cùng cấp để ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay giải quyết việc làm.
Theo đó, Dự thảo Luật Việc làm đã bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm gồm:
- Quỹ quốc gia về việc làm;
- Nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội;
- Nguồn huy động của Ngân hàng chính sách xã hội được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công;
- Nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội.
Đồng thời, Dự thảo Luật Việc làm bổ sung quy định Hội đồng nhân dân các cấp bố trí vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn hợp pháp, giao Ủy ban nhân dân cùng cấp để ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay giải quyết việc làm.
Những đối tượng nào được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm theo quy định của Dự thảo Luật Việc làm mới nhất?
Căn cứ theo Điều 13 Dự thảo Luật Việc làm, những đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm bao gồm:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh;
- Người lao động.
02 đối tượng trên được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với mức lãi suất thấp hơn khi thuộc 04 trường hợp sau đây:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số;
- Người lao động thuộc hộ nghèo;
- Người lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Người khuyết tật.
Đối với nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định các đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn ngoài 04 đối tượng này.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?