Người lao động chỉ đóng bảo hiểm tai nạn, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có được không? 

Người lao động có bắt buộc phải tham gia bảo hiểm tai nạn hay không? Người lao động chỉ đóng bảo hiểm tai nạn, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có được không? Câu hỏi của chị L.P (Đồng Tháp)

Người lao động có bắt buộc phải tham gia bảo hiểm tai nạn hay không?

Bảo hiểm tai nạn là loại hình bảo hiểm chi trả cho các khoản chi phí phát sinh trong quá trình điều trị và hồi phục hồi sức khỏe sau chấn thương do tai nạn. Hiện nay, bảo hiểm tai nạn có hai hình thức khác nhau:

- Bảo hiểm tai nạn lao động do cơ quan Bảo hiểm xã hội của nhà nước quản lý.

Tại Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:

Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục này là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội.
...

Đồng thời, tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:

Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
...
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
...

Theo quy định trên thì bảo hiểm tai nạn lao động thuộc chế độ của bảo hiểm xã hội người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đây là khoản bắt buộc nên người lao động và doanh nghiệp không thể tự quyết định cũng như tự thỏa thuận có đóng hay không.

- Bảo hiểm tai nạn con người do các công ty bảo hiểm cung cấp cho người có nhu cầu sử dụng. Đây là loại hình bảo hiểm tự nguyện, ai cũng có thể tham gia. Thông thường, bảo hiểm cho các tai nạn cá nhân là một trong những quyền lợi sẵn có hoặc tự chọn trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe.

Người lao động chỉ đóng bảo hiểm tai nạn, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có được không? 

Người lao động chỉ đóng bảo hiểm tai nạn, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có được không? (Hình từ Internet)

Người lao động có bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế hay không?

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
...

Như vậy, bảo hiểm y tế chỉ bắt buộc tham gia đối với một số nhóm đối tượng nhất định. Tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định như sau:

Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
2. Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Theo đó, người lao động bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế khi làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên.

Người lao động chỉ đóng bảo hiểm tai nạn, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có được không?

Như đã phân tích ở phần trên, bảo hiểm tai nạn được chia thành 2 dạng là bảo hiểm tai nạn lao động và bảo hiểm tai nạn con người. Trong đó, bảo hiểm tai nạn con người được xem như là bảo hiểm nhân thọ, không phải là bảo hiểm bắt buộc mà nó mang tính tự nguyện, người lao động có thể chọn đóng hoặc không.

Trong khi đó, bảo hiểm tai nạn lao động là một chế độ của bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động không phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sẽ do người sử dụng lao động đóng tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.

Do đó, trong trường hợp này ta sẽ xét liệu người lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội mà không đóng bảo hiểm y tế có được không?

Tại Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, người lao động đi làm đáp ứng các điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì đều phải đóng các loại bảo hiểm này.

Hằng tháng, người sử dụng lao động sẽ trích tiền đóng bảo hiểm từ quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm và trích một phần tiền lương tháng của từng người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cùng một lúc cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Như vậy, hầu hết các trường hợp đều phải đóng đồng thời cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Ngay cả khi người lao động đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hoặc mua bảo hiểm y tế tự nguyện trước đó thì khi đi làm mà có ký hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên với doanh nghiệp thì người này vẫn phải đóng bảo hiểm y tế cho doanh nghiệp.

Bởi theo khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 khi người lao động đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau thì sẽ phải đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự:

(1) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế do người lao động và người sử dụng lao động đóng.

(2) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.

(3) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.

(4) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

(5) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Do đó dù đã có thẻ bảo hiểm y tế trước đó nhưng một khi đi làm, người lao động vẫn phải đóng cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế chứ không được lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội mà không đóng bảo hiểm y tế.

Lưu ý: Riêng trường hợp người lao động làm việc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không phải đóng bảo hiểm y tế.

Tóm lại, người lao động sẽ không phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, đối với bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là 2 khoản bắt buộc, người lao động khi tham gia quan hệ lao động sẽ phải đóng 2 loại bảo hiểm này nếu thỏa các điều kiện đã phân tích như trên.

Bảo hiểm tai nạn
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Lao động tiền lương
Người lao động chỉ đóng bảo hiểm tai nạn, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có được không? 
Đi đến trang Tìm kiếm - Bảo hiểm tai nạn
8,072 lượt xem
TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Bảo hiểm tai nạn

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Bảo hiểm tai nạn

CHỦ ĐỀ VĂN BẢN
Trọn bộ 20 văn bản về Bảo hiểm y tế mới nhất
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào