Hợp đồng cung ứng lao động cần phải đảm bảo nội dung nào?
Hợp đồng cung ứng lao động cần phải đảm bảo nội dung nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 như sau:
Hợp đồng cung ứng lao động
1. Hợp đồng cung ứng lao động là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam với bên nước ngoài tiếp nhận lao động về điều kiện, quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc cung ứng và tiếp nhận người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
2. Hợp đồng cung ứng lao động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động và có những nội dung sau đây:
a) Thời hạn của hợp đồng;
b) Số lượng người lao động; ngành, nghề, công việc phải làm; độ tuổi của người lao động;
c) Nước tiếp nhận lao động;
d) Địa điểm làm việc nếu hợp đồng ký với người sử dụng lao động ở nước ngoài;
đ) Điều kiện, môi trường làm việc;
e) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
g) An toàn, vệ sinh lao động;
h) Tiền lương, tiền công, chế độ khác và tiền thưởng (nếu có); tiền làm thêm giờ; các khoản khấu trừ từ lương theo quy định của nước tiếp nhận lao động;
i) Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại;
k) Chế độ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản;
l) Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
m) Điều kiện chấm dứt hợp đồng của người lao động trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
n) Tiền dịch vụ được bên nước ngoài tiếp nhận lao động chi trả (nếu có);
o) Trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại;
p) Trách nhiệm của các bên khi người lao động gặp rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
q) Trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết vấn đề phát sinh đối với người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
r) Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp;
s) Thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết khoản 2 Điều này phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể.
Như vậy, hợp đồng cung ứng lao động là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam với bên nước ngoài tiếp nhận lao động đây là tài liệu pháp lý quan trọng để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên và đảm bảo các bên tuân thủ pháp luật liên quan đến việc thuê người lao động từ bên thứ ba.
Nếu hợp đồng cung ứng lao động không đảm bảo nội dung chính xác, rõ ràng và chi tiết, có thể dẫn đến các tranh chấp và rủi ro pháp lý trong quá trình thuê người lao động.
Hợp đồng cung ứng lao động cần phải đảm bảo nội dung (Hình từ Internet)
Hồ sơ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 như sau:
Đăng ký hợp đồng cung ứng lao động
…
2. Hồ sơ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động bao gồm:
a) Văn bản đăng ký hợp đồng cung ứng lao động;
b) Bản sao của hợp đồng cung ứng lao động kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực;
c) Tài liệu chứng minh việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động.
…
Như vậy, doanh nghiệp dịch vụ cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ nên trên nếu muốn đăng ký hợp đồng cung ứng lao động, sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận thì doanh nghiệp có thể tiến hành thực hiện.
Doanh nghiệp dịch vụ thu được bao nhiêu tiền từ người lao động trong việc cung ứng lao động?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 như sau:
Tiền dịch vụ
1. Tiền dịch vụ là khoản thu của doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.
…
4. Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động được quy định như sau:
a) Không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc; đối với sĩ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá 1,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 03 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;
b) Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng lao động trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;
c) Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bổ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết mức trần tiền dịch vụ thấp hơn quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
...
Như vậy, mức tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ thu từ người lao động phải đảm bảo: không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc, từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 03 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?