Hội thẩm nhân dân có được từ chối khi Chánh án Tòa án phân công tham gia xét xử không?
- Hội thẩm nhân dân có được từ chối khi Chánh án Tòa án phân công tham gia xét xử không?
- Hội thẩm nhân dân có được tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Tòa án hay không?
- Hội thẩm nhân dân đang làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án Tòa án thì có được điều động Hội thẩm làm việc khác không?
- Có yêu cầu kiến thức pháp luật đối với Hội thẩm nhân dân không?
Hội thẩm nhân dân có được từ chối khi Chánh án Tòa án phân công tham gia xét xử không?
Căn cứ theo Điều 89 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định như sau:
Trách nhiệm của Hội thẩm
1. Trung thành với Tổ quốc, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
2. Tham gia xét xử theo sự phân công của Chánh án Tòa án mà không được từ chối, trừ trường hợp có lý do chính đáng hoặc do luật tố tụng quy định.
3. Độc lập, vô tư, khách quan trong xét xử, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
4. Tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
5. Giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật.
6. Tích cực học tập để nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ xét xử.
7. Chấp hành nội quy, quy chế của Tòa án.
8. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Hội thẩm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại thì Tòa án nơi Hội thẩm đó thực hiện nhiệm vụ xét xử phải có trách nhiệm bồi thường và Hội thẩm đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Tòa án theo quy định của pháp luật.
Theo quy định thì Hội thẩm nhân dân không được từ chối khi Chánh án Tòa án phân công tham gia xét xử. Tuy nhiên, trong trường hợp có lý do chính đáng hoặc do luật tố tụng quy định thì Hội thẩm nhân dân có thể từ chối.
Hội thẩm nhân dân có được từ chối khi Chánh án Tòa án phân công tham gia xét xử không? (Hình từ Internet)
Hội thẩm nhân dân có được tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Tòa án hay không?
Căn cứ theo Điều 88 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định như sau:
Chế độ, chính sách đối với Hội thẩm
1. Hội thẩm được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Tòa án.
Kinh phí tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Hội thẩm được dự toán trong kinh phí hoạt động của Tòa án, có sự hỗ trợ của ngân sách địa phương theo quy định của luật.
2. Hội thẩm là cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân tại ngũ, công nhân quốc phòng thì thời gian làm nhiệm vụ Hội thẩm được tính vào thời gian làm việc ở cơ quan, đơn vị.
3. Hội thẩm được tôn vinh và khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
4. Hội thẩm được hưởng phụ cấp xét xử, được cấp trang phục, Giấy chứng minh Hội thẩm để làm nhiệm vụ xét xử.
Chế độ phụ cấp xét xử, mẫu trang phục, cấp phát và sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Hội thẩm do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Theo đó, Hội thẩm nhân dân được tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Tòa án.
Hội thẩm nhân dân đang làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án Tòa án thì có được điều động Hội thẩm làm việc khác không?
Căn cứ theo Điều 91 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định như sau:
Đoàn Hội thẩm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân đối với Hội thẩm
1. Hội thẩm được tổ chức thành Đoàn Hội thẩm.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực phân công Hội thẩm tham gia xét xử, bảo đảm phù hợp với yêu cầu xét xử vụ án.
3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân có người được bầu hoặc cử làm Hội thẩm có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội thẩm làm nhiệm vụ.
4. Trong thời gian Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án Tòa án thì cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân có Hội thẩm đó không được điều động, phân công Hội thẩm làm việc khác, trừ trường hợp đặc biệt và phải thông báo cho Chánh án Tòa án biết.
Theo đó, Hội thẩm nhân dân đang làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án Tòa án thì không được điều động Hội thẩm làm việc khác. Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt thì được điều động nhưng phải thông báo cho Chánh án Tòa án biết.
Có yêu cầu kiến thức pháp luật đối với Hội thẩm nhân dân không?
Căn cứ theo Điều 85 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định như sau:
Tiêu chuẩn Hội thẩm
1. Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.
2. Có kiến thức pháp luật.
3. Có hiểu biết xã hội.
4. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo tiêu chuẩn của Hội thẩm thì Hội thẩm nhân dân phải có kiến thức pháp luật.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?