Bạn đọc có mail: [email protected] (Bình Dương), cho biết đang làm công nhân cho Cty của Hàn Quốc (Long Khánh, Đồng Nai). Bạn bắt đầu xin vào Cty tháng 4.2014, đến tháng 5.2014 bắt đầu đóng BHXH. Tháng 6.2015 bạn nghỉ sinh con, tháng 9.2015 Cty đề nghị bạn nộp giấy tờ, hồ sơ để hưởng chế độ thai sản (CĐTS) và đến đầu tháng 12.2015 bạn bắt đầu đi làm lại. Khi đi làm lại bạn hỏi Cty về CĐTS nhưng Cty trả lời do quá trình trước đây bạn làm ở Cty khác nhưng không lấy sổ bảo hiểm nộp về Cty mới (Cty bạn đang làm) để gộp sổ nên bảo hiểm không giải quyết, và giờ để được hưởng CĐTS bạn phải quay về Cty cũ lấy sổ rồi gộp sổ tại Cty hiện tại. Bạn trình bày thêm, từ năm 2011-2013 bạn đi làm ở 2 Cty tại Biên Hòa và Thanh Hóa, mỗi Cty bạn làm khoảng 1 năm. Sau đó bạn xin nghỉ việc tại 2 Cty này, và khi nghỉ việc tại 2 Cty này bạn đều không lấy sổ BHXH. Đến tháng 4.2015 bạn xin vào Cty hiện nay (Cty Hàn Quốc). Bạn không khai báo số sổ BHXH cũ cũng như không nộp bất cứ giấy tờ gì tại Cty này. Bạn hỏi: Cty Hàn Quốc trả lời bạn như trên có đúng không và với trường hợp của bạn thì phải giải quyết như thế nào để được CĐTS? Nếu giờ quay lại Cty cũ để lấy sổ BHXH thì Cty cũ có còn lưu lại vì thời gian đã 3-4 năm? Luật sư Trịnh Khánh Toàn - Văn phòng luật sư Quốc Thái, Đoàn luật sư TP. Hà Nội trả lời: Căn cứ Điều 2 Luật BHXH quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: Bạn và Cty nêu trên phải tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật; Điểm b, khoản 1, Điều 31 Luật BHXH thì bạn đủ điều kiện được hưởng CĐTS; Theo khoản 2, Điều 31 Luật BHXH quy định cụ thể: Bạn được hưởng CĐTS khi đóng đủ 6 tháng BHXH. Căn cứ vào Điều 85 và Điều 86 Luật BHXH về mức đóng và phương thức đóng BHXH bạn có quyền yêu cầu Cty xác nhận việc thực hiện đóng BHXH của bạn từ tháng 5.2014 để có căn cứ yêu cầu giải quyết CĐTS. Việc lấy sổ BHXH cũ tại các Cty cũ không ảnh hưởng đến việc hưởng CĐTS hiện tại. Tuy nhiên bạn cũng nên có các xác nhận về thời gian đóng BHXH thực tế để nếu có thể sẽ được hưởng các chế độ hưu trí... Bạn đọc có số điện thoại 01648491xxx và mail: [email protected] trình bày: Chị A có ký kết HĐLĐ với Cty, được phân công là cửa hàng trưởng. Vừa qua, Cty tiến hành kiểm kê cửa hàng và phát hiện mất một số lượng lớn hàng hóa với tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Cty tổ chức cuộc họp với chị A cùng các nhân viên bán hàng. Theo đó chị A làm bản tường trình thừa nhận: Do nhu cầu kinh doanh cá nhân, chị A đã vay nặng lãi và khi kinh doanh thất bại chị A chiếm đoạt tiền bán hàng của Cty để trả nợ bằng cách giữ lại tiền bán hàng. Thời gian thực hiện hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Cty bắt đầu từ tháng 4.2015 đến nay. Chị A xin được tạo điều kiện nộp lại tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả. Trên cơ sở đó Cty đã tiến hành họp xử lý kỷ luật sa thải chị A. Sau đó chị A nộp trả Cty 100 triệu đồng và làm đơn xin được trả 200 triệu đồng còn lại trong 10 năm. Cty không đồng ý và yêu cầu trả 200 triệu đồng trong thời hạn 2 năm. Do không nhận được sự hợp tác của chị A, Cty thông báo sẽ đưa sự việc ra cơ quan pháp luật để giải quyết, chị A phản tố và cho rằng Cty đã xử lý kỷ luật sa thải mình sai quy định vì viện dẫn theo khoản c, Điều 123 của Luật Lao động thì Cty không được xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ đang trong thời gian chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1, Điều 126 của BLLĐ. Đồng thời đến Cty đòi được làm việc. Bạn hỏi phản tố trên của chị A có đúng không và Cty phải thực hiện như thế nào cho đúng?