Vợ muốn ly hôn nhưng chồng không chịu, thủ tục thế nào?
Về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn theo Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì:
Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Điều kiện tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn được quy định tài điều 56 Luật hôn nhân & gia đình 2014 như sau:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Hồ sơ xin đơn phương ly hôn gồm những loại giấy tờ sau:
+ Đơn xin li hôn.
+ Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn (bản gốc).
+ Bản sao chứng minh thư nhân dân của nguyên đơn (có chứng thực).
+ Bản sao sổ hộ khẩu (có chứng thực).
+ Bản sao giấy khai sinh của các con (có chứng thực - nếu có).
+ Các tài liệu chứng minh về tài sản chung hoặc tài sản riêng vợ chồng ( nếu có)
Như vậy, theo quy định của pháp luật nếu đời sống hôn nhân của vợ chồng lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì vợ hoặc chồng hoàn toàn có quyền nộp đơn xin ly hôn.
Về vấn đề nuôi con
Đối với trường hợp con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ nuôi theo quy định tại khoản 3 điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014: Con dưới 36 tháng được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Đối với trường hợp con của bạn chị từ 36 tháng tuổi trở lên theo quy định tại Khoản 2 điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, Tòa án căn cứ vào điều kiện kinh tế hai bên, nhân thân xem xét ai sẽ có đủ khả năng chăm sóc và nuôi dưỡng con, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của con sẽ giao cho bên đó nuôi. Con từ 07 tuổi trở lên sẽ xem xét nguyện vọng của con xem con muốn sống với ai.
Vấn đề phân chia tài sản khi ly hôn
Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.
Việc chia tài sản chung khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:
Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.
Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh ở đâu? Nguyên tắc lập quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là gì?
- 24 tiết khí của 4 mùa trong năm 2025? Làm việc vào ngày lễ, tết 2025 được trả lương thế nào?
- 12/11 âm lịch 2024 là ngày bao nhiêu dương? 12 tháng 11 âm 2024 là thứ mấy?
- Mẫu thư gửi chú bộ đội ở đảo xa nhân ngày 22/12 năm 2024?
- Các yếu tố cấu thành tội môi giới mại dâm theo pháp luật Hình sự?