Vợ ngoại tình mang thai, chồng có được ly hôn không?
Căn cứ vào những dữ liệu mà bạn đã nêu, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đã nghiên cứu và xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:
Pháp luật luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các bên hòa giải tại cơ sở và hòa giải tại Tòa án nhằm hàn gắn những bất đồng, tìm tiếng nói chung trong quan hệ hôn nhân. Nếu phương pháp hòa giải không giải quyết được vấn đề còn mâu thuẫn giữa hai bên, thì căn cứ vào thông tin mà bạn cung cấp và các quy định pháp luật có liên quan, chúng tôi đưa ra một số quan điểm pháp lý như sau:
1. Người chồng có quyền ly hôn khi người vợ đang mang thai?
Quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân gắn liền với người vợ/chồng và không thể chuyển giao cho người khác. Nó được pháp luật ghi nhận nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ/chồng. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, pháp luật vẫn hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”.
Do đó, trong trường hợp của bạn, dù bạn khẳng định rằng: đứa trẻ trong bụng vợ bạn không phải con của bạn nhưng bạn cũng không có quyền ly hôn vợ tại thời điểm này bởi bạn đã bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn theo quy định nêu trên (pháp luật quy định như vậy nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em trong quan hệ hôn nhân và gia đình)
2. Khi nào bạn có quyền ly hôn vợ?
Pháp luật chỉ hạn chế quyền ly hôn của người chồng khi người vợ đang mang thai nhưng người vợ lại không bị hạn chế bởi quy định nêu trên. Mặc dù người vợ đang mang thai nhưng họ vẫn có quyền yêu cầu Tòa án cho ly hôn, và Tòa án có thể chấp nhận cho người vợ ly hôn nếu đảm bảo các căn cứ ly hôn theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và thực hiện đúng thủ tục theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Như vậy, trong trường hợp này, bạn có thể đề nghị người vợ chủ động yêu cầu ly hôn tại Tòa án.
Mặt khác, nếu vợ bạn không đồng ý ly hôn trong khi đó, việc ngoại tình của vợ bạn khiến bạn cảm thấy căng thẳng, khó chịu thì cả hai nên ly thân để tránh mâu thuẫn không cần thiết và vợ bạn cũng cần đảm bảo sức khỏe khi mang thai. Đến khi vợ bạn sinh con được 12 tháng tuổi, thì quyền yêu cầu ly hôn của bạn sẽ không bị hạn chế theo quy định tại khoản 3, Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và bạn có thể ra Tòa để giải quyết vấn đề ly hôn của mình.
Từ những phân tích nêu trên, cho thấy pháp luật về hôn nhân và gia đình chưa thực sự điều chỉnh một cách toàn diện các quan hệ xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cả người vợ và người chồng. Do đó, mặc dù lối sống ngoại tình đáng phê phán và lên án, gây tổn thương sâu sắc đến tâm lý, tình cảm của bạn. Tuy nhiên, bạn nên kiềm chế, điều tiết cảm xúc để tránh những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Khi đứa trẻ đã đủ 12 tháng tuổi, bạn có thể yêu cầu Tòa án xác định cha cho con để làm căn cứ tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025?
- Nhiệm kỳ của Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn tại Hợp tác xã là bao lâu?
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?
- Kịch bản chương trình họp phụ huynh cuối học kì 1 các cấp năm 2024 - 2025?