Trách nhiệm bồi thường khi bị tai nạn lao động
Xin tư vấn cho bạn
Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về tai nạn lao động, theo đó: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.”
Theo Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động: “Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này”.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động với người bị tai nạn lao động
Điều 144 Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động như sau:
- Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
- Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
- Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.
Quyền của người lao động bị tai nạn lao động
Điều 145 Bộ luật Lao động quy định quyền của người lao động bị tai nạn lao động như sau:
- Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
- Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
Bồi thường do doanh nghiệp chi trả
Điều 145 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được doanh nghiệp trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người lao động sẽ được bồi thường tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp khi xảy ra một trong các trường hợp như sau:
Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết trừ trường hợp nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính người lao động theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động (kể cả trường hợp người lao động bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi doanh nghiệp).
Người lao động bị bệnh nghề nghiệp theo kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa hoặc của cơ quan pháp y có thẩm quyền thì được bồi thường trong các trường hợp sau:
Bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc hoặc trước khi chuyển việc, trước khi mất việc, trước khi nghỉ hưu; Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bệnh nghề nghiệp theo kết quả thực hiện giám định bệnh nghề nghiệp định kỳ.
Người sử dụng lao động bồi thường từng lần cho người lao động bị tai nạn lao động. Tai nạn lao động xảy ra lần nào thì thực hiện bồi thường lần đó. Người sử dụng lao động không được cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó. Người sử dụng lao động bồi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp theo từng vụ tai nạn và theo nguyên tắc sau: lần thứ nhất thì căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động trong lần khám đầu. Từ lần thứ hai trở đi thì căn cứ vào mức suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.
Mức bồi thường được tính như sau: Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: ít nhất bằng 30 tháng tiền lương; Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%: ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương; Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương. Người sử dụng lao động có thể tra bảng tính mức bồi thường hoặc tính theo công thức sau:
Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}
Trong đó:
Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;
a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.
Trợ cấp tai nạn lao động
Người lao động bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết thì được trợ cấp khi xảy ra một trong những trường hợp sau: Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động; Tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý (kể cả trường hợp do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn).
Trợ cấp tai nạn lao động được thực hiện từng lần. Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
Mức trợ cấp được tính như sau: Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động: ít nhất bằng 12 tháng tiền lương; Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%: ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương; Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%: thì tra bảng tính mức bồi thường từ người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định hoặc tính theo công thức dưới đây:
Ttc = Tbt x 0,4
Trong đó:
Ttc: Mức trợ cấp cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).
Được biết, các mức bồi thường, trợ cấp như trên là mức tối thiểu. Việc người sử dụng lao động bồi thường, trợ cấp cho người lao động ở mức cao hơn luật định được Nhà nước khuyến khích thực hiện. Ngoài việc được hưởng bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (nếu có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Tiền trợ cấp do bảo hiểm xã hội chi trả
Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 và Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ tai nạn lao động: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Người lao động bị chết do tai nạn lao động hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần do bảo hiểm xã hội chi trả bằng 36 tháng lương tối thiểu chung.
Căn cứ điểm c, khoản 1; điểm a khoản 2 Điều 64 và khoản 1 Điều 65 Luật bảo hiểm xã hội, người lao động chết do tai nạn lao động thì thân nhân là con chưa đủ 15 tuổi; con chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học; con đủ 15 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung.
Như Vậy, người sử dụng lao động bồi thường từng lần đối với người lao động bị tai nạn lao động. Tai nạn lao động lần nào thì thực hiện bồi thường lần đó. Người sử dụng lao động không được cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn bao lâu?
- Hướng dẫn kê khai tài sản theo Nghị định 130 cho công chức chi tiết, đầy đủ?
- Mẫu báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế theo Nghị định 15 mới nhất?
- SHB là ngân hàng gì? Địa chỉ trụ sở chính ngân hàng SHB ở đâu?