Chuyển nhượng nhà, đất được thừa kế chung như thế nào?
Thủ tục khai nhận thừa kế
Điều 734 Bộ luật Dân sự khẳng định: Cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật Dân sự và pháp luật về đất đai.
Như vậy, khi người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chết thì quyền sử dụng đất đó được chuyển giao cho những người thừa kế của họ.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Đối với di sản là quyền sử dụng đất, để tiến hành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì bạn có thể yêu cầu gia đình họ thực hiện các thủ tục sau:
1. Làm thủ tục khai nhận di sản do người chết để lại là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật
a. Công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế
- Chủ thể: những người thừa kế.
- Cơ quan tiến hành: Tổ chức công chứng (Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng) trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản (Điều 37 Luật Công chứng).
- Hồ sơ (Điều 35 Luật Công chứng):
+ Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu;
+ Bản sao giấy tờ tuỳ thân;
+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan mà pháp luật quy định phải có, như: Giấy chứng tử của người chết, giấy khai sinh của ba người con...
Thủ tục:
Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã), nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.
Nội dung niêm yết nêu rõ: họ, tên người để lại di sản; họ, tên của những người thoả thuận hoặc người khai nhận và quan hệ với người để lại di sản; danh mục di sản được thoả thuận phân chia hoặc được khai nhận; cuối bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót người được hưởng di sản, bỏ sót di sản, di sản không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản, thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho cơ quan thực hiện công chứng, chứng thực.
Sau 30 ngày kể từ ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng, chứng thực chứng nhận văn bản thừa kế.
Trong văn bản thừa kế, những người thừa kế sẽ cùng nhau nhận di sản thừa kế và cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có thể nhường cho một người để người đó đứng tên trên giấy chứng nhận.
b. Đăng ký sang tên quyền sử dụng đất cho những người thừa kế
- Chủ thể thực hiện: Người được hưởng di sản theo khai nhận.
- Cơ quan thực hiện: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nơi có quyền sử dụng đất.
- Hồ sơ: Sau khi có văn bản công chứng việc khai nhận thừa kế, người được hưởng di sản nộp một bộ hồ sơ tại Văn phòng đăng ký nhà đất gồm: bản chính văn bản khai nhận thừa kế có công chứng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy tờ khác (giấy tờ tùy thân của người hưởng di sản, giấy chứng tử, giấy khai sinh…).
- Thủ tục: Văn phòng đăng ký nhà đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có); chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đã cấp hoặc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với trường hợp phải cấp mới giấy chứng nhận; Sau khi bên nhận thừa kế thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, Văn phòng đăng ký nhà đất có trách nhiệm trao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người thừa kế.
Chuyển nhượng nhà, đất được thừa kế chung
Ngày 19/5/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Khoản 4, Điều 5 Thông tư này quy định, trường hợp nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà những người được hưởng thừa kế có văn bản thỏa thuận chưa phân chia thừa kế và đề nghị cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất để thừa kế thì cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đó. Văn bản thỏa thuận phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện của những người được thừa kế gồm:... (ghi lần lượt tên của những người được thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)".
Hợp đồng chuyển nhượng phải được công chứng, chứng thực
Theo Điểm a, Khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại Điểm b Khoản này.
Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo Giấy chứng nhận cấp cho người đại diện của những người được thừa kế, thì bên chuyển nhượng gồm những người được thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (trong đó có người đứng tên đại diện) và bên nhận chuyển nhượng phải lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tổ chức công chứng ở địa phương theo quy định tại các Điều 40, 41, 42 Luật Công chứng năm 2014, hoặc lựa chọn chứng thực hợp đồng tại Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, hoặc UBND cấp xã theo quy định tại Điểm d, Khoản 1 và Điểm c, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Thủ tục đăng ký biến động, chuyển quyền sử dụng đất
Theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 thì, trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện như sau:
Người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Nội dung biến động là chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, lập tại tổ chức công chứng, hoặc chứng thực hợp đồng tại Phòng Tư pháp, hoặc UBND xã nơi có đất.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
- Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
- Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng.
Thời gian giải quyết hồ sơ chuyển quyền tối đa không quá 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định. Nếu địa bàn xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện tăng thêm 11 ngày làm việc. Nếu phải đo đạc địa chính thửa đất để thể hiện sơ đồ lên Giấy chứng nhận khi giải quyết hồ sơ do Giấy chứng nhận đã cấp trước đây chưa có sơ đồ thửa đất và thửa đất chưa có trong bản đồ địa chính thì cộng thêm 7 ngày làm việc.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?