Trường hợp nào hiệu trưởng là công chức?

Bà Mai Thị Tiệm là Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Bình Thành (Tây Sơn, Bình Định). Khi thực hiện thủ tục nghỉ hưu, cơ quan BHXH xác định bà Tiệm là viên chức, tuy nhiên, cơ quan LĐTBXH lại cho rằng bà Tiệm là công chức. Vậy vị trí Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã là công chức hay viên chức?

Theo khoản 4, Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức, được hướng dẫn tại khoản 1 và điểm e, khoản 2, Điều 4 Thông tư số 08/2011/TT-BNV ngày 2/6/2011 của Bộ Nội vụ thì, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được xác định là công chức.

Theo Điều 2, khoản 1, Điều 3 Luật Viên chức, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không phải là công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.

Cụ thể về trường hợp bà Mai Thị Tiệm, nếu Trường Mẫu giáo xã Bình Thành, huyện Tây Sơn là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Sơn, được ngân sách Nhà nước cấp toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, thì vị trí Hiệu trưởng (người đứng đầu) trường đó được pháp luật quy định là công chức.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, điều hành đơn vị sự nghiệp công lập đó với chức danh người đứng đầu (Hiệu trưởng Trường). 

Trường hợp này, theo khoản 3, Điều 42 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, viên chức được bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập mà pháp luật quy định là công chức khi bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm phải hoàn thiện tiêu chuẩn của ngạch được bổ nhiệm; đồng thời được giữ nguyên chức danh nghề nghiệp đã bổ nhiệm, được hưởng chế độ tiền lương và các chế độ khác như viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nếu đến thời điểm nghỉ hưu mà viên chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập chưa được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch công chức theo quy định tại khoản 3, Điều 42 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP thì họ vẫn là viên chức.

Theo khoản 5, Điều 1 Thông tư số 08/2011/TT-BNV, trường hợp người đang làm việc ở các vị trí được pháp luật quy định là công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập mà chưa được tuyển dụng (đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động) thì không xác định là công chức.

Nếu Trường Mẫu giáo xã Bình Thành là trường tư thục, dân lập (trường ngoài công lập) thì Hiệu trưởng (người đứng đầu) trường đó không phải là công chức, viên chức.

Để xác định rõ Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Bình Thành là công chức hay viên chức quản lý cần căn cứ vào quyết định thành lập Trường là đơn vị sự nghiệp công lập và quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng của cơ quan có thẩm quyền.

Theo Luật sư Trần Văn Toàn
Cổng thông tin Chính Phủ

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào