Những điểm mới nhất về chế độ thai sản năm 2016
Bên cạnh những quyền lợi dành cho các mẹ bầu, chế độ thai sản 2016 cũng đặc biệt chú ý tới quyền lợi của người chồng, cũng như đặc quyền của những người mang thai hộ. Những quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Dưới đây là danh sách cập nhật những quy định mới nhất về chế độ thai sản của Luật Bảo hiểm xã hội:
1. Bố được nghỉ thai sản
Lao động nam đang đóng Bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 5 đến 14 ngày.
Lao động nam được nghỉ 5 ngày làm việc nếu vợ sinh con. Nếu khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi được nghỉ 7 ngày làm việc.
Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
2. Thai sản cho người mang thai hộ
Trước Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, luật chưa có quy định chế độ thai sản cho người mang thai hộ nhưng từ 1-1-2016 khi Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thì chính sách này bắt đầu được áp dụng.
Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản về khám thai, sẩy thai, nạo hút, thai chết lưu, chế độ sinh con… từ thời điểm mang thai cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá 6 tháng.
Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Người mẹ nhờ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
3. Chế độ thai sản sau sinh mà mẹ chết hoặc con chết
Thời gian hưởng chế độ nếu sau khi sinh con mà con chết được quy định là 4 tháng tính từ ngày sinh con nếu con dưới 2 tháng tuổi hoặc 2 tháng tính từ ngày con chết nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên.
Về thời gian hưởng chế độ nếu sau khi sinh con mà mẹ chết, trước đây luật quy định thời gian hưởng là cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi. Luật Bảo hiểm xã hội mới quy định thời gian hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này là thời gian nghỉ thai sản còn lại của người mẹ.
Trường hợp mẹ không đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì cha, người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi con đủ 6 tháng tuổi. Nếu cha, người trực tiếp nuôi không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản với thời gian còn lại của mẹ theo quy định.
Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
4. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
Thời gian hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sau thai sản được quy định là từ 5-10 ngày trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc (thay vì trong 1 năm như trước đây). Trường hợp người lao động có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày được quy định chung là bằng 30% mức lương cơ sở. Trước đó, tỷ lệ này trong quy định cũ là 25% lương cơ sở nếu nghĩ dưỡng sức, phục hồi tại gia đình, 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi tại cơ sở tập trung.
5. Đi làm trước hạn
Quy định mới về đi làm trước hạn nâng thời gian sau khi sinh con từ đủ 60 ngày trở lên tăng lên ít nhất 4 tháng. Luật mới quy định người nghỉ thai sản phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 6 tháng.
6. Chế độ sẩy thai, nạo hút thai hoặc thai chết lưu
Trong trường hợp sẩy thai, nạo hút thai hoặc thai chết lưu, lao động nữ được nghỉ 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi, nghỉ 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi, nghỉ 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi và nghỉ 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
7. Chế độ thai sản khi nhận con nuôi
Thời gian nghỉ thai sản khi nhận con nuôi được điều chỉnh, con đủ 4 tháng tuổi trở lên cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.
8. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Trường hợp lao động nữ sinh con, mang thai hộ, nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hay nhận nuôi con nuôi thì được hưởng chế độ thai sản.
Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con mới được hưởng chế độ thai sản.
Lao động đủ điều kiện mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Luật Bảo hiểm xã hội còn bổ sung trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì khi vợ sinh con, cha được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương cơ sở cho mỗi con.
(Theo BHXHVN)Theo Khám Phá/eva
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?