Đánh bài ghi điểm, uống nước bị công an xã bắt xử phạt thế nào?
Công ty Luật Cương Lĩnh xin trả lời câu hỏi như sau:
Với hành vi đánh bài ghi điểm để lấy tiền uống nước vẫn được coi là hành vi đánh bạc trái phép và tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà hành vi này có thể được xác định là hành vi vi phạm hành chính hoặc hành vi vi phạm hình sự. Trong đó, Điều 248 Bộ luật hình sự năm 1999 (Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về tội đánh bạc như sau:
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 23/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội cũng quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo khoản 6 2 Điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 23/11/2013 quy định thêm hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; điểm a, c khoản 3; điểm b, c, d khoản 4 và khoản 5 Điều Điều 23 Nghị định 73/2010/NĐ-CP.
Mặt khác, điểm a Khoản 4, Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 248 và 249 của Bộ luật Hình sự do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong đó có hướng dẫn cụ thể về cách tính số tiền bỏ ra đánh bạc trái phép nhằm xác định người đánh bạc có phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Cụ thể như sau: Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt: Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP có hướng dẫn “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:
“a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.”
Như vậy, khi công an xã phát hiện ra hành vi đánh bạc và lập biên bản về hành vi nói trên, không thu giữ được tại chiếu bạc bất kỳ một khoản tiền nào, tuy nhiên thu giữ được trong 1 người có mang ví tiền tổng số tiền trong ví là 506.000 đồng và 2 cái điện thoại di động và có căn cứ xác định số tiền và 2 chiếc điện thoại đó đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc thì đó sẽ là căn cứ để tính số tiền bỏ ra đánh bạc và là cơ sở cho việc xác định hành vi đánh bạc nói trên là hành vi vi phạm hành chính hay vi phạm pháp luật hình sự.
Trên cơ sở hành vi thực tế, công an xã đã xác định được hành vi đánh bạc của những người cùng cơ quan của anh là hành vi vi phạm pháp luật hành chính và ra quyết định xử phạt mỗi người 500.000 đồng (thực tế là chỉ phải nộp phạt 1.000.000 đồng cho cả 4 người) là thấp hơn mức xử phạt được quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 23/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội và tịch thu 506.000 đồng, tuy nhiên, việc tiến hành xử phạt mà không có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không có phiếu thu hay giấy tờ nộp phạt hành chính mà công an xã chỉ nói và nhận tiền rồi trả điện thoại, giấy CMND và kết thúc buổi làm việc là vi phạm về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và người nộp phạt tiền có thể khiếu nại về quyết định xử phạt này.
Nguồn: Công ty Luật Cương Lĩnh/Nguoiduatin
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?