Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại từ 01/7/2025?
Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại từ 01/7/2025?
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 7 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 quy định về giá tính thuế GTGT như sau:
Điều 7. Giá tính thuế
1. Giá tính thuế được quy định như sau:
a) Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng; đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng; đối với hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng; đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng;
b) Đối với hàng hóa nhập khẩu là trị giá tính thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu cộng với các khoản thuế là thuế nhập khẩu bổ sung theo quy định của pháp luật (nếu có), cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và cộng với thuế bảo vệ môi trường (nếu có);
c) Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho là giá tính thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.
Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0);
[...]
Như vậy, giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại từ 01/7/2025 được xác định bằng 0 theo quy định.
Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại từ 01/7/2025? (Hình từ Internet)
Phương pháp tính trực tiếp thuế GTGT như thế nào?
Theo Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024, phương pháp tính trực tiếp thuế GTGT được quy định như sau:
[1] Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.
Giá trị gia tăng của hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.
[2] Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp theo doanh thu bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng như sau:
*Đối tượng áp dụng bao gồm:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có doanh thu hằng năm dưới mức ngưỡng doanh thu 01 tỷ đồng, trừ trường hợp tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024.
- Hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024.
- Tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam có doanh thu phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, không bao gồm các nhà cung cấp nước ngoài quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024.
- Tổ chức khác, trừ trường hợp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024.
*Tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:
- Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;
- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
- Hoạt động kinh doanh khác: 2%;
*Doanh thu để tính thuế giá trị gia tăng là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn bán hàng, bao gồm các khoản phụ thu và phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
[3] Hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khoán thuế quy định tại Luật Quản lý thuế 2019.
Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ là khi nào?
Căn cứ tại Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024, thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Còn thời điểm xác định thuế GTGT đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Măt khác, Chính phủ sẽ quy định thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ dưới đây
- Hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu.
- Dịch vụ viễn thông.
- Dịch vụ kinh doanh bảo hiểm.
- Hoạt động cung cấp điện, hoạt động sản xuất điện, nước sạch.
- Hoạt động kinh doanh bất động sản.
- Hoạt động xây dựng, lắp đặt và hoạt động dầu khí.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thuế giá trị gia tăng có thể đặt câu hỏi tại đây.