Sáp nhập bộ ngành theo Nghị quyết 18-NQ/TW như thế nào?

Sáp nhập bộ ngành theo Nghị quyết 18-NQ/TW như thế nào? Mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn theo Nghị quyết 18 như thế nào?

Sáp nhập bộ ngành theo Nghị quyết 18-NQ/TW như thế nào?

Căn cứ tiết 2.2 tiểu mục 2 Mục 3 Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017, sáp nhập bộ ngành như sau:

- Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành.

- Khẩn trương rà soát, cương quyết sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành và các tổ chức trực thuộc các bộ, ngành; khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Rà soát, sắp xếp theo hướng giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách.

- Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Giảm tối đa các ban quản lý dự án. Kiên quyết hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế; thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

- Rà soát nhiệm vụ, quyền hạn để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương để góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; quy định rõ cơ chế phân cấp, uỷ quyền và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân cấp, uỷ quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với việc kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân.

- Đối với một số lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, như: Thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội... tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tổ chức bộ máy phù hợp với việc phân cấp ngân sách nhà nước, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương.

- Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…

Đồng thời, theo phương án nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ sẽ giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Cụ thể, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã nêu phương án nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng:

- Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính;

- Sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.

- Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số...;

Chuyển một số nhiệm vụ khác về: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.

- Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường...; chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ và các cơ quan liên quan.

Sáp nhập bộ ngành theo Nghị quyết 18-NQ/TW như thế nào?

Sáp nhập bộ ngành theo Nghị quyết 18-NQ/TW như thế nào? (Hình từ Internet)

Mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn theo Nghị quyết 18 như thế nào?

Căn cứ tiểu mục 2 Mục 2 Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 quy định mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hiện nay như sau:

Mục tiêu tổng quát:

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Mục tiêu cụ thể:

- Từ năm 2021 đến năm 2030: (1) Hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; giảm biên chế; (2) Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; (3) Tiếp tục cụ thể hoá, thể chế hoá chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; (4) Phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; (5) Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.

- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay đến năm 2030: Thực hiện có hiệu quả theo lộ trình, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập".

Tổ chức thực hiện theo Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 như thế nào?

Theo Mục 4 Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 tổ chức thực hiện như sau:

- Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch thực hiện, tổ chức quán triệt Nghị quyết, xác định rõ những việc cần làm ngay, những việc phải làm theo lộ trình, phân công cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.

- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, khẩn trương thể chế hoá, cụ thể hoá các nội dung Nghị quyết, nhất là những việc cần phải làm ngay.

- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức học tập quán triệt, chủ động xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể để thực hiện Nghị quyết ở cấp mình.

- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai và đề xuất định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Bộ máy nhà nước
Tạ Thị Thanh Thảo
4,117 lượt xem
Bộ máy nhà nước
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Bộ máy nhà nước
Hỏi đáp Pháp luật
Danh sách 10 huyện sẽ sáp nhập từ ngày 1/1/2025 trên cả nước?
Hỏi đáp Pháp luật
Tên gọi dự kiến của sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi hợp nhất?
Hỏi đáp Pháp luật
Quốc thiều là gì? Quy định về việc sử dụng Quốc thiều như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Dự kiến các phòng thuộc UBND cấp huyện được hợp nhất theo Công văn 24?
Hỏi đáp Pháp luật
Dự kiến các sở thuộc UBND cấp tỉnh được hợp nhất theo Công văn 24?
Hỏi đáp Pháp luật
Định hướng sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo Công văn 24?
Hỏi đáp Pháp luật
Công văn 7968 BNV CCVC Sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý khi tinh gọn bộ máy Nhà nước như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Biên chế suốt đời là gì? Viên chức còn được hưởng biên chế suốt đời nữa không?
Hỏi đáp Pháp luật
Tinh gọn bộ máy hành chính: Định hướng sắp xếp đối với cán bộ công chức viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Có 113 luật chịu ảnh hưởng sau tinh gọn bộ máy Chính phủ theo Kế hoạch 141?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Bộ máy nhà nước có thể đặt câu hỏi tại đây.

Tra cứu hỏi đáp liên quan
Bộ máy nhà nước

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Bộ máy nhà nước

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào