Khoản chi từ thiện của doanh nghiệp có được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?
- Khoản chi nào được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp?
- Khoản chi từ thiện của doanh nghiệp có được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?
- Điều kiện để ghi nhận chi phí hợp lý được trừ khi Công ty chi từ thiện cho việc khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm những gì?
Khoản chi nào được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp?
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Không thuộc các khoản chi không được trừ nêu tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC;
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị dưới 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Khoản chi từ thiện của doanh nghiệp có được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không? (Hình từ Internet)
Khoản chi từ thiện của doanh nghiệp có được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?
Theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, có quy định các khoản chi từ thiện không được trừ thuế TNDN như sau:
Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
[…]
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
[…]
2.22. Chi tài trợ cho giáo dục (bao gồm cả chi tài trợ cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp) không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết b dưới đây...
2.23. Chi tài trợ cho y tế không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết b dưới đây...
2.24. Chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết b dưới đây...
2.25. Chi tài trợ làm nhà cho người nghèo không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này; Chi tài trợ làm nhà tình nghĩa, làm nhà cho người nghèo, làm nhà đại đoàn kết theo quy định của pháp luật không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết b dưới đây:...
2.26. Chi tài trợ nghiên cứu khoa học không đúng quy định; chi tài trợ cho các đối tượng chính sách không theo quy định của pháp luật; chi tài trợ không theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
[…]
2.32. Chi ủng hộ địa phương; chi ủng hộ các đoàn thể, tổ chức xã hội; chi từ thiện (trừ khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà tình nghĩa, làm nhà cho người nghèo, làm nhà đại đoàn kết; tài trợ cho nghiên cứu khoa học, tài trợ cho các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật, tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nêu tại điểm 2.22, 2.23, 2.24,2.25, 2.26 Khoản 2 Điều này)
[…]
Như vậy, căn cứ các quy định trên, không phải mọi khoản chi từ thiện, tài trợ đều được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các chi phí từ thiện, tài trợ do doanh nghiệp đóng góp, tài trợ, chi ủng hộ chỉ được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp chi phải đúng đối tượng và có đủ hồ sơ xác định khoản tài trợ theo quy định của pháp luật.
Điều kiện để ghi nhận chi phí hợp lý được trừ khi Công ty chi từ thiện cho việc khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm những gì?
Theo quy định tại điểm 2.24 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về điều kiện và hồ sơ để ghi nhận chi phí hợp lý được trừ khi Công ty chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai thì Công ty đảm bảo đủ 02 điều kiện dưới đây:
- Phải chi đúng các đối tượng như sau:
Tài trợ cho khắc phục hậu quả thiên tai gồm: tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để khắc phục hậu quả thiên tai trực tiếp cho tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; cá nhân bị thiệt hại do thiên tai thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.
- Phải lập đầy đủ hồ sơ, chứng từ:
Hồ sơ xác định khoản tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của tổ chức bị thiệt hại do thiên tai (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là đơn vị nhận tài trợ (theo mẫu số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 78/2014/TT-BTC) kèm theo hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?