Hướng dẫn hạch toán tiêu dùng nội bộ theo Thông tư 200 và Thông tư 133?
Hàng tiêu dùng nội bộ có phải xuất hóa đơn không?
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:
Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
[...]
Theo đó, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ vẫn phải xuất hóa đơn, trừ trường hợp hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất không phải lập hóa đơn.
Hướng dẫn hạch toán tiêu dùng nội bộ theo Thông tư 200 và Thông tư 133? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn Hạch toán tiêu dùng nội bộ theo Thông tư 200 và Thông tư 133?
Hiện tại, các doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện hạch toán theo các thông tư sau:
Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán doanh nghiệp.
Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về hạch toán hàng tiêu dùng nội bộ theo chế độ kế toán được hướng dẫn theo các thông tư nêu trên đều được hạch toán giống nhau như sau:
– Trường hợp xuất kho thành phẩm, hàng hóa, hoặc sản phẩm sản xuất hoàn thành được sử dụng ngay cho tiêu dùng nội bộ không phục vụ sản xuất kinh doanh tại đơn vị, trường hợp này, kế toán phải xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí theo quy định, kế toán ghi nhận như sau:
Ghi nhận giá vốn:
Nợ TK 632 (Giá vốn hàng bán)
Có TK 155 (Thành phẩm)
Có TK 156 (Hàng hóa)
Có TK 154 (Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang)
Ghi nhận doanh thu:
Nợ TK 353 (trường hợp sử dụng sản phẩm, hàng hóa để biếu, tặng cho cán bộ công nhân viên được trang trải bằng Quỹ khen thưởng, phúc lợi)
Nợ TK 334 (Tiền lương, thưởng trả cho người lao động bằng sản phẩm)
Có TK 511 (Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ)
Có TK 333 (Thuế GTGT phải nộp, nếu có)
– Trường hợp xuất kho thành phẩm, hoặc bán thành phẩm để phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh hoặc cho quá trình sản xuất tiếp theo (luân chuyển nội bộ) thì kế toán ghi nhận như sau:
Nợ TK 621, 627, 241,... hoặc TK 154 (sử dụng sản phẩm, hàng hóa cho quá trình sản xuất tiếp theo)
Nợ TK 641, 642,... (sử dụng sản phẩm, hàng hóa cho quá trình sản xuất tiếp theo)
Có TK 155, 156 hoặc 154...
Đối với việc bán sản phẩm, hàng hóa giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp (theo Điều 79 Thông tư 200/2014/TT-BTC):
+ Trường hợp không ghi nhận doanh thu giữa các khâu trong nội bộ doanh nghiệp, chỉ ghi nhận doanh thu khi thực bán hàng ra bên ngoài:
Kế toán tại đơn vị bán: Khi xuất sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đến các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp, kế toán lập Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hóa đơn GTGT, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (giá vốn)
Có TK 155, 156
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Khi nhận được thông báo từ đơn vị mua là sản phẩm, hàng hóa đã được tiêu thụ ra bên ngoài, đơn vị bán ghi nhận doanh thu, giá vốn:
Phản ánh giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có 136 – Phải thu nội bộ.
Phản ánh doanh thu, ghi:
Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Kế toán tại đơn vị mua: Khi nhận được sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ do đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp chuyển đến, kế toán căn cứ vào các chứng từ có liên quan, ghi:
Nợ TK 155, 156 (Giá vốn)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 336 – Phải trả nội bộ
Khi bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ ra bên ngoài, kế toán ghi nhận doanh thu, giá vốn như giao dịch bán hàng thông thường.
Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp hạch toán đến kết quả kinh doanh sau thuế, kế toán phải kết chuyển doanh thu, giá vốn cho đơn vị cấp trên:
Kết chuyển giá vốn, ghi:
Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
Kết chuyển doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 336 – Phải trả nội bộ.
+ Trường hợp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bán hàng cho các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết giao dịch bán hàng nội bộ)
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Ghi nhận giá vốn như bán hàng thông thường.
Lưu ý: Việc xác định phương pháp hạch toán cần căn cứ vào cơ cấu tổ chức bộ máy kế toán, phân cấp quản lý kinh tế giữa các đơn vị để xác định phương pháp hạch toán phù hợp và tuân thủ các hướng dẫn của pháp luật thuế.
Theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định doanh nghiệp quyết định việc kế toán tại đơn vị hạch toán phụ thuộc có tổ chức bộ máy kế toán riêng đối với:
- Việc ghi nhận khoản vốn kinh doanh được doanh nghiệp cấp: Doanh nghiệp quyết định đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận là nợ phải trả hoặc vốn chủ sở hữu;
- Đối với các giao dịch mua, bán, điều chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nội bộ: Doanh thu, giá vốn chỉ được ghi nhận riêng tại từng đơn vị hạch toán phụ thuộc nếu sự luân chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các khâu trong nội bộ về bản chất tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Việc ghi nhận doanh thu từ các giao dịch nội bộ để trình bày trên Báo cáo tài chính của các đơn vị không phụ thuộc vào hình thức của chứng từ kế toán (hóa đơn hay chứng từ luân chuyển nội bộ);
- Việc phân cấp kế toán tại đơn vị hạch toán phụ thuộc: Tùy thuộc mô hình tổ chức kế toán tập trung hay phân tán, doanh nghiệp có thể giao đơn vị hạch toán phụ thuộc phản ánh đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc chỉ phản ánh đến doanh thu, chi phí.
Ví dụ 1: Công ty A là đơn vị buôn bán máy vi tính, linh kiện điện tử..., kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có xuất hàng hóa là máy vi tính, linh kiện máy tính tiêu dùng nội bộ (xuất máy tính để nhân viên bộ phận bán hàng làm việc) trị giá máy tính là 15.000.000. Hạch toán tiêu dùng nội bộ như sau: - Khi xuất máy tính ra tiêu dùng nội bộ thì phải xuất hóa đơn và vì máy tính có giá trị lớn và dùng cho nhiều kỳ nên phải phân bổ. Căn cứ vào hóa đơn tiêu dùng nội bộ và các chứng từ liên quan hạch toán như sau: Nợ TK 242: 15.000.000. Có 156: 15.000.000. (chi phí giá vốn hàng hoá). - Cuối tháng phân bổ vào bộ phận sử dụng (cụ thể là bộ phận bán hàng): Các bạn xác định phân bổ bao nhiêu tháng -> Thì tính ra, rồi điền số tiền vào đây nhé. Ví dụ Cty xác định phân bổ 10 tháng, thì hạch toán như sau: Nợ TK 641: 1.500.000 Có TK 242: 1.500.000. Ví dụ 2: Công ty may B có hai xí nghiệp X và Y thực hiện các công việc sau: xí nghiệp X là xí nghiệp dệt vải, xí nghiệp Y là xí nghiệp may đều tổ chức sản xuất trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội. Xí nghiệp X và Y không tổ chức hạch toán riêng (toàn bộ công tác kế toán được phòng kế toán công ty ABC đảm nhiệm). Khi X sản xuất hoàn thành vải, xuất kho luân chuyển sang Y để tổ chức sản xuất ở giai đoạn tiếp theo, kế toán ghi nhận như sau: Nợ TK 621 (hạch toán chi tiết cho sản phẩm áo được sản xuất tại Y) Có TK 154 (trị giá vải sản xuất hoàn thành tại X) Có TK 111, 112… – các chi phí phát sinh ở khâu vận chuyển… Trường hợp này, kế toán không phải xuất hóa đơn. Ví dụ 3: Công ty may C có hai xí nghiệp X và Y thực hiện các công việc sau: xí nghiệp X là xí nghiệp dệt vải tại Hà Nam, xí nghiệp Y là xí nghiệp may tại Hưng Yên. Xí nghiệp X cung cấp vải cho xí nghiệp Y, đồng thời có tiêu thụ vải trên thị trường. Xí nghiệp X và Y là hai đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty may ABC và được phân cấp ghi nhận doanh thu. Khi X sản xuất hoàn thành vải, xuất kho luân chuyển sang Y (coi như giao dịch bán hàng nội bộ), kế toán tại X ghi: Ghi nhận doanh thu: Nợ TK 136 – chi tiết Y Có TK 511, 3331 Ghi nhận giá vốn: Nợ TK 632 Có TK 155 |
Như vậy, khi thực hiện nghiệp vụ xuất hàng tiêu dùng nội bộ, kế toán phải căn cứ vào mục đích sử dụng hàng tiêu dùng nội bộ (phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hay không) để tính, nộp thuế GTGT và tính vào doanh thu tính thuế TNDN cho phù hợp. Ngoài ra, còn phải phân biệt hàng tiêu dùng nội bộ và hàng luân chuyển nội bộ để thực hiện xuất hóa đơn đúng quy định.
Giá tính thuế đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ được quy định như thế nào?
Theo khoản 4 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC quy định giá tính thuế đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ như sau:
Hàng hóa luân chuyển nội bộ như hàng hóa được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm, để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh thì không phải tính, nộp thuế GTGT.
Trường hợp cơ sở kinh doanh tự sản xuất, xây dựng tài sản cố định (tài sản cố định tự làm) để phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì khi hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nên tài sản cố định tự làm được kê khai, khấu trừ theo quy định.
Trường hợp xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả, nếu có hợp đồng và các chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn, tính, nộp thuế GTGT.
Ví dụ 1: Đơn vị A là doanh nghiệp sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt lắp vào các phân xưởng sản xuất để phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị thị đơn vị A không phải tính nộp thuế GTGT đối với hoạt động xuất 50 sản phẩm quạt điện này.
Ví dụ 2: Cơ sở sản xuất hàng may mặc B có phân xưởng sợi và phân xưởng may. Cơ sở B xuất sợi thành phẩm từ phân xưởng sợi cho phân xưởng may để tiếp tục quá trình sản xuất thì cơ sở B không phải tính và nộp thuế GTGT đối với sợi xuất cho phân xưởng may.
Ví dụ 3: Công ty cổ phần P tự xây dựng nhà nghỉ giữa ca cho công nhân ở trong khu vực sản xuất kinh doanh. Công ty cổ phần P không có đơn vị, tổ, đội trực thuộc thực hiện hoạt động xây dựng này. Khi hoàn thành, nghiệm thu nhà nghỉ giữa ca, Công ty cổ phần P không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nhà nghỉ giữa ca được kê khai, khấu trừ theo quy định.
Ví dụ 4: Công ty Y là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai để phục vụ trong các cuộc họp công ty thì Công ty Y không phải kê khai, tính thuế GTGT.
Ví dụ 5: Công ty Y là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai với mục đích không phục vụ sản xuất kinh doanh thì Công ty Y phải kê khai, tính thuế GTGT đối với 300 chai nước xuất dùng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nêu trên với giá tính thuế là 4.000 x 300 = 1.200.000 đồng.
Riêng đối với cơ sở kinh doanh có sử dụng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ, luân chuyển nội bộ phục vụ cho sản xuất kinh doanh như vận tải, hàng không, đường sắt, bưu chính viễn thông không phải tính thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh phải có văn bản quy định rõ đối tượng và mức khống chế hàng hóa dịch vụ sử dụng nội bộ theo thẩm quyền quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chế độ kế toán có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp lời chúc Giáng sinh ngắn gọn, mới nhất năm 2024?
- Đề ôn thi Trạng nguyên Tiếng Việt lớp 5 vòng 8 cấp huyện có đáp án 2024 - 2025?
- Lịch âm tháng 2 năm 2025 - Lịch vạn niên tháng 2 năm 2025 đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Không tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam?
- Chính thức chốt mức lương cơ sở cán bộ công chức viên chức năm 2025 chưa?