Tỉnh Long An có bao nhiêu thành phố, huyện, thị xã? Tỉnh Long An giáp với những tỉnh nào?
Tỉnh Long An có bao nhiêu thành phố, huyện, thị xã?
Căn cứ theo Tiểu mục 2 Mục 7 Nghị quyết 59/NQ-HĐND năm 2022 tỉnh Long An có quy định như sau:
VII. Phương án phát triển vùng liên huyện, vùng huyện
[...]
2. Phương án quy hoạch xây dựng các vùng huyện
Quy hoạch 15 vùng huyện đảm bảo phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển tổng thể của tỉnh gồm: 13 huyện (Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng), thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An.
Theo đó, tính đến tháng 10/2024, tỉnh Long An có 01 thành phố (thành phố Tân An), 13 huyện ( gồm các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng) và 01 thị xã (thị xã Kiến Tường).
Tỉnh Long An có bao nhiêu thành phố, huyện, thị xã? Tỉnh Long An giáp với những tỉnh nào? (Hình từ Internet)
Tỉnh Long An giáp với những tỉnh nào?
Căn cứ theo Tiểu mục 1 Mục 1 Nghị quyết 59/NQ-HĐND năm 2022 tỉnh Long An có quy định như sau:
I. PHẠM VI, RANH GIỚI VÀ THỜI KỲ QUY HOẠCH
1. Phạm vi, ranh giới quy hoạch
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Long An bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Long An với tổng diện tích tự nhiên là 4.494,94 km2, có tọa độ địa lý: 105°30'30" đến 106°47'02" kinh độ Đông và 10°23’40" đến 11°02’00" vĩ độ Bắc. Phía Bắc tiếp giáp với Vương Quốc Campuchia, phía Nam tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang, phía Đông tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh, phía Tây tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp.
2. Thời kỳ lập quy hoạch: Quy hoạch được lập cho thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Như vậy, hiện nay tỉnh Long An giáp với những tỉnh dưới đây:
- Phía Bắc tiếp giáp với Vương Quốc Campuchia.
- Phía Nam tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang.
- Phía Đông tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh.
- Phía Tây tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp.
Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu gì?
Căn cứ theo Tiểu mục 2 Mục 2 Nghị quyết 59/NQ-HĐND năm 2022 tỉnh Long An, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới các mục tiêu dưới đây:
[1] Mục tiêu tổng quát
- Đến năm 2030:
+ Long An trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa, và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo;
+ Là cửa ngõ kết nối thông suốt, thuận tiện giữa vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm môi sinh, cải thiện an sinh, giữ vững trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.
- Tầm nhìn phát triển đến năm 2050: Long An phát triển đột phá, trở thành khu vực phát triển kinh tế động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, hình thành cụm công nghiệp công nghệ cao hàng đầu trong Vùng, tiếp tục duy trì vị thế tỉnh công nghiệp phát triển bền vững hàng đầu của cả nước, cân bằng giữa giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường.
[2] Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030
- Về kinh tế:
+ GRDP tăng 9%/năm giai đoạn 2021 - 2030; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng.
+ Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa với sự tăng trưởng ổn định của khu vực dịch vụ; tỷ trọng đóng góp của khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ lần lượt là 7%, 64% và 29%.
+ Kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng bình quân 13,5%/năm giai đoạn 2021-2030; thu ngân sách nhà nước đạt gần 100 nghìn tỷ đồng vào năm 2030.
+ Tổng mức đầu tư phát triển thời kỳ 2021 - 2030 hơn 300 nghìn tỷ đồng.
- Về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế:
+ Dân số tăng bình quân 1%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.
+ Trường học đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 70%; hoàn thành phổ cập giáo dục mẫu giáo cho trẻ 3 - 4 tuổi.
+ Tạo thêm bình quân 30 - 35 nghìn việc làm/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, chủ yếu trong ngành chế biến, chế tạo và dịch vụ.
+ Giảm 50% số hộ nghèo trong từng giai đoạn 5 năm của thời kỳ quy hoạch; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 80%; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
+ Số giường bệnh trên vạn dân: đạt 27 giường; tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân: 11 bác sĩ.
- Về bảo vệ môi trường:
+ Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 3,3%.
+ Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
+ Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý đạt 100% đối với toàn tỉnh.
- Về không gian và kết cấu hạ tầng:
+ Hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng chính, bao gồm đường vành đai Thành phố Tân An, đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao đường cao tốc đến đường tỉnh 830), tỉnh lộ 827E hay Quốc lộ 50B.
+ Thành phố Tân An trở thành đô thị loại I vào năm 2025; thành lập 03 khu đô thị mới tại Bến Lức, Đức Hòa và Cần Giuộc với kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 55%.
- Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội:
+ Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực gắn bó chặt chẽ, mật thiết với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
+ Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế - xã hội. Giảm mạnh tỷ lệ phạm pháp hình sự, đặc biệt tại khu vực biên giới.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Địa giới hành chính có thể đặt câu hỏi tại đây.