Các yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo pháp luật hình sự?
Tội gây rối trật tự công cộng bị phạt bao nhiêu năm tù?
Căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây rối trật tự công cộng:
Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Theo quy định trên, người nào có hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gây rối trật tự công cộng:
Người phạm tội gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Các yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo pháp luật hình sự? (Hình từ Internet)
Các yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo pháp luật hình sự?
Tội gây rối trật tự công cộng là một trong các tội độc lập được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 thuộc các tội khác xâm phạm trật tự công cộng. Dưới đây là các yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng:
[1] Chủ thể
Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Như vậy, chủ thể của tội gây rối trật tự công cộng là cá nhân có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Chủ thể của tội gây rối trật tự công cộng không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có hành vi gây rối trật tự công cộng đủ độ tuổi chịu trách nhiệm và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.
Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm
[2] Khách thể
Mặt khách thể của tội gây rối trật tự công cộng là hành vi phạm xâm phạm đến trật tự an ninh xã hội, cuộc sống sinh hoạt ổn định của cộng đồng.
Ngoài ra còn xâm phạm đến các hoạt động đi lại, làm việc, vui chơi nguyên tắc an toàn nơi công cộng tại nơi có nhiều người qua lại, đồng thời xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của những người xung quanh.
Hành vi này cũng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện những đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong quá trình ổn định đời sống của người dân.
[3] Khách quan
Mặt khách quan của tội gây rối trật tự công cộng là người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng. v.v…
Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội. Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
[4] Chủ quan
Mặt chủ quan của tội gây rối trật tự công cộng là người phạm tội thực hiện bởi lỗi cố ý. Người phạm tội có hành vi vi phạm có đầy đủ năng lực hành vi biết rõ hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, lối sống lành mạnh ổn định của xã hội nhưng vẫn thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.
Thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự tội gây rối trật tự công cộng là bao lâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
[...]
Căn cứ Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định phân loại tội phạm:
Điều 9. Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
[...]
Theo quy định trên, tội gây rối trật tự công cộng là tội phạm nghiêm trọng có thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm.
Nếu trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự mà người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới có khung hình phạt trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?