Người có hành vi hành hạ cha mẹ mình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gì?
Người có hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?
Căn cứ theo Điều 41 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
Điều 41. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.
Như vậy, người có hành vi vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình thì tùy vào mức độ vi phạm mà sẽ có những hình thức xử lý sau đây:
- Xử lý kỷ luật.
- Xử phạt vi phạm hành chính.
- Bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.
Người có hành vi hành hạ cha mẹ mình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gì? (Hình từ Internet)
Bạo lực với thành viên gia đình bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:
Điều 52. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Điều 4. Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
[...]
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
[...]
Như vậy, bạo lực với thành viên gia đình bị xử phạt vi phạm hành chính cụ thể như sau:
Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đối với tổ chức: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Đồng thời, buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu, buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi bạo lực với thành viên gia đình.
Người có hành vi hành hạ cha mẹ mình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gì?
Trường hợp 1: Hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm. Hành vi này làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Nếu hành vi này có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hành hạ, thì cũng chỉ là thương tích nhẹ chưa tới mức bị tuy cứu về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì đủ yếu tố cấu thành tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.
Căn cứ theo Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau:
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Như vậy, người có hành vi hành hạ cha mẹ mình bị có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
Lưu ý: Tùy vào mức độ, hành vi, tình tiết và tính chất vụ việc mà Tòa án quyết định người phạm tội phải chịu mức án nào.
Trường hợp 2: Hành vi hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích, tổn hại đến sức khỏe là do lỗi cố ý thì tuỳ trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
[...]
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
[...]
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
[...]
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
[...]
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
[...]
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
[...]
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
[...]
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Tùy vào hành vi, hậu quả và kết quả giám định hành vi hành hạ cha mẹ gây ra mà có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 14 năm.
Ngoài ra, trường hợp chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, hành vi hành hạ cha mẹ (người đủ 70 tuổi trở lên) có thể được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Lưu ý: Các tình tiết đã được Bộ luật Hình sự 2015 quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?