Từ 21/10/2024 tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán viên cần phải có là gì?
Từ 21/10/2024 tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán viên cần phải có là gì?
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 66/2024/TT-BTC quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán viên (hạng 3) như sau:
(1) Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
- Hiểu rõ và tuân thủ Luật Kế toán 2015, các chuẩn mực kế toán, các quy định của pháp luật khác về kế toán, nguyên lý kế toán, các chế độ tài chính, thống kê và thông tin kinh tế có liên quan; có khả năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực công tác được phân công;
- Nắm được các quy định cụ thể về hình thức và phương pháp kế toán; các chế độ kế toán áp dụng trong ngành, lĩnh vực kế toán nhà nước;
- Biết phương pháp nghiên cứu, đề xuất triển khai hoặc bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ, tổng kết cải tiến nghiệp vụ quản lý, nắm được xu thế phát triển nghiệp vụ trong nước và quốc tế;
- Biết tổ chức triển khai các hoạt động về quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ, quy trình luân chuyển chứng từ, phương pháp quản lý và điều hành đối với nhiệm vụ kế toán trong đơn vị;
- Có khả năng tiếp thu, nắm bắt và kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hiện đại để trao đổi và sử dụng các tài liệu kế toán, thông tin kế toán, phần mềm kế toán, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử;
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
(2) Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật.
(3) Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán hoặc có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập 2011 hoặc chứng chỉ kế toán viên theo quy định của Luật Kế toán 2015 hoặc chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận.
(4) Viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên trung cấp và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên trung cấp hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) trong đó có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên trung cấp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP.
Từ 21/10/2024 tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán viên cần phải có là gì? (Hình từ Internet)
Đối tượng nào được cấp chứng chỉ kế toán viên?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 57 Luật Kế toán 2015 quy định về chứng chỉ kế toán viên như sau:
Điều 57. Chứng chỉ kế toán viên
1. Người được cấp chứng chỉ kế toán viên phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính;
c) Đạt kết quả kỳ thi lấy chứng chỉ kế toán viên.
[...]
Như vậy, đối tượng được cấp chứng chỉ kế toán viên là người đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
[1] Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật
[2] Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác với tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7% trở lên trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học
Hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các khoá học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp bảo đảm các quy định
[3] Đạt kết quả kỳ thi lấy chứng chỉ kế toán viên.
Người dự thi lấy chứng chỉ kế toán viên phải thi những môn nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 91/2017/TT-BTC quy định về nội dung thi như sau:
Điều 6. Nội dung thi
1. Người dự thi lấy chứng chỉ kế toán viên thi 4 môn thi sau:
a) Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp;
b) Tài chính và quản lý tài chính nâng cao;
c) Thuế và quản lý thuế nâng cao;
d) Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao.
2. Người dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên thi 7 môn thi sau:
a) Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp;
b) Tài chính và quản lý tài chính nâng cao;
c) Thuế và quản lý thuế nâng cao;
d) Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao;
đ) Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao;
e) Phân tích hoạt động tài chính nâng cao;
g) Ngoại ngữ trình độ C của 01 trong 05 ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức.
[...]
Như vậy, người dự thi lấy chứng chỉ kế toán viên phải thi 04 môn sau đây:
- Pháp luật về kinh tế và Luật Doanh nghiệp 2020.
- Tài chính và quản lý tài chính nâng cao.
- Thuế và quản lý thuế nâng cao.
- Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao.
Lưu ý: Thông tư 66/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/10/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?