Khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 02 con trước 35 tuổi?
- Khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 02 con trước 35 tuổi?
- Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đối với chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng là gì?
- Công tác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi trong chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 như thế nào?
Khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 02 con trước 35 tuổi?
Vấn đề khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 02 con trước 35 tuổi là một trong những nội dung được đề cập tại Công văn 4737/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 của Bộ Y tế trả lời vấn đề "đề nghị có biện pháp cụ thể để nâng tỷ lệ sinh ở các vùng đô thị, không để tình trạng già hóa dân số từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian sắp tới."
Theo đó, một trong những biện pháp để giải quyết vấn đề trên là chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như sau: (i) Hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình: Phát triển câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi,...;
Ngoài ra, vấn đề khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 02 con trước 35 tuổi còn được đề cập tại một số văn bản như:
[1] Quyết định 2324/QĐ-BYT năm 2020 về Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
[2] Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
...và một số văn bản khác...
Khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 02 con trước 35 tuổi? (Hình từ Internet)
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đối với chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng là gì?
Tại Điều 1 Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 có đề cập đến mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đối với chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng là:
- Tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,0 con).
- Giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con).
- Duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con).
Công tác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi trong chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 như thế nào?
Tại Điều 1 Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 có quy định về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó, đối với công tác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi:
[1] Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về việc chuyển hướng chính sách dân số từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số bao gồm quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số.
Đặc biệt tập trung tuyên truyền nội dung chuyển hướng chính sách về quy mô dân số từ tập trung vào nỗ lực giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
Ở địa phương, phải thực hiện “vận động sinh ít con hơn ở nơi mức sinh còn cao, duy trì ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế và sinh thêm con ở những nơi mức sinh đã xuống thấp”.
[2] Phát triển hệ thống thông điệp truyền thông, nội dung tuyên truyền vận động cho từng khu vực có mức sinh khác nhau.
- Đối với địa phương có mức sinh cao, tiếp tục thực hiện tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con. Đối tượng tuyên truyền, vận động chủ yếu là các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con. Khẩu hiệu vận động là “Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”.
- Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, nội dung tuyên truyền, vận động tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội; đối với gia đình và chăm sóc bố, mẹ khi về già. Tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt.
[3] Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và thuyết phục. Nâng cao hiệu quả của truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện, internet và mạng xã hội.
Sử dụng hợp lý các loại hình văn hóa, văn nghệ, giải trí. Phát huy vai trò của những người có ảnh hưởng với công chúng, gia đình và dòng họ như: những người nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, già làng, trưởng bản... Đặc biệt quan tâm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp, nhất là các hoạt động truyền thông tại nhà, tại cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, nhân viên y tế thôn bản.
[4] Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi trong hệ thống giáo dục.
Mục tiêu của giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản phải bảo đảm trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng cơ bản, có hệ thống về cấu tạo, cơ chế hoạt động của các cơ quan sinh sản ở người, chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, vô sinh và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; định hình giá trị mỗi gia đình nên có hai con vì lợi ích gia đình và tương lai bền vững của đất nước.
[5] Thí điểm triển khai mở rộng thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc trước khi kết hôn đối với thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn.
Chương trình phải bảo đảm cung cấp cho nam, nữ thanh niên các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản liên quan trực tiếp đến cuộc sống vợ chồng; chăm sóc, nuôi dạy con, quản lý kinh tế gia đình; củng cố giá trị mỗi gia đình nên có hai con, nuôi dạy con tốt và xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đăng ký kết hôn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?
- Yêu cầu chung đối với việc lắp đặt hệ thống LPG theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN7467:2005?
- Quân đội nhân dân Việt Nam mang bản chất của giai cấp nào?
- Ký hiệu và phân lớp các yếu tố nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo Thông tư 08/2024/TT-BTNMT?