Những hợp đồng nhà đất nào không bắt buộc phải công chứng, chứng thực?
Những hợp đồng nhà đất nào không bắt buộc phải công chứng, chứng thực?
Căn cứ Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định những hợp đồng nhà đất không bắt buộc phải công chứng, chứng thực gồm:
- Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.
- Hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
Căn cứ Điều 164 Luật Nhà ở 2023 quy định những hợp đồng nhà đất không bắt buộc phải công chứng, chứng thực gồm:
- Hợp đồng tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết.
- Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công.
- Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư.
- Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức.
- Hợp đồng thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.
Lưu ý: những hợp đồng không công chứng chứng thực, thời điểm hợp đồng có hiệu lực do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là ký kết xong hợp đồng.
Căn cứ Điều 44 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định những hợp đồng nhà đất không bắt buộc phải công chứng, chứng thực gồm:
- Hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản mà ít nhất một bên tham gia giao dịch là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Lưu ý: Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng giao dịch không công chứng là thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng hoặc bằng thời điểm khác được thỏa thuận trên hợp đồng.
Những hợp đồng nhà đất nào không bắt buộc phải công chứng, chứng thực? (Hình từ Internet)
Điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán bất động sản là nhà ở gồm những gì?
Theo Điều 50 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định như sau:
Điều 50. Điều kiện chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản
1. Việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Thuộc diện chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng không có tranh chấp đang được cơ quan có thẩm quyền thông báo, thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc có tranh chấp về hợp đồng nhưng đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng bản án, quyết định, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật;
c) Nhà ở, công trình xây dựng thuộc hợp đồng mua bán, thuê mua không thuộc diện bị kê biên, thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý;
d) Có hợp đồng mua bán, thuê mua được xác lập theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
2. Việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng được thực hiện đối với toàn bộ hợp đồng. Trường hợp mua bán, thuê mua nhiều căn nhà ở, công trình xây dựng trong cùng một hợp đồng mà các bên có nhu cầu chuyển nhượng từng căn nhà ở, công trình xây dựng thì các bên sửa đổi hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hoặc ký phụ lục hợp đồng trước khi thực hiện chuyển nhượng hợp đồng theo quy định tại Luật này.
Như vậy, điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán bất động sản là nhà ở gồm:
- Là hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai;
- Thuộc diện chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng không có tranh chấp đang được cơ quan có thẩm quyền thông báo, thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc có tranh chấp về hợp đồng nhưng đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng bản án, quyết định, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật;
- Nhà ở, công trình xây dựng thuộc hợp đồng mua bán, thuê mua không thuộc diện bị kê biên, thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý;
- Có hợp đồng mua bán, thuê mua được xác lập theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản bao gồm hợp đồng gì?
Tại khoản 1 Điều 44 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản bao gồm:
- Hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở;
- Hợp đồng thuê nhà ở;
- Hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích du lịch, lưu trú;
- Hợp đồng thuê công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích du lịch, lưu trú;
- Hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, văn phòng, thương mại, dịch vụ, công nghiệp và công trình xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp;
- Hợp đồng thuê công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, văn phòng, thương mại, dịch vụ, công nghiệp và công trình xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp;
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản;
- Hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản;
- Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản;
- Hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án bất động sản;
- Hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở, công trình xây dựng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?