Tài xế xe tải cần mang theo những giấy tờ gì? Không có hoặc có nhưng không mang theo thì bị phạt bao nhiêu?
Tài xế xe tải cần mang theo những giấy tờ gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông:
Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
[...]
2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Căn cứ khoản 9 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô:
Điều 9. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
[...]
9. Khi vận chuyển hàng hóa, lái xe phải mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc phải có thiết bị để truy cập vào phần mềm thể hiện nội dung của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật. Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được chở hàng vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông.
[...]
Theo quy định trên, khi tham gia giao thông thì người điều khiển xe ô tô tải phải mang theo các loại giấy tờ sau đây:
- Giấy đăng ký xe
- Giấy phép lái xe
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe
Ngoài những giấy tờ nêu trên thì tài xế xe tải còn phải mang theo giấy vận tải. Theo đó, giấy tờ mang theo có thể bằng văn bản giấy hoặc thiết bị để truy cập vào phần mềm thể hiện nội dung của các giấy tờ nêu trên.
Tài xế xe tải cần mang theo những giấy tờ gì? Không có hoặc có nhưng không mang theo thì bị phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Không có hoặc có nhưng không mang theo giấy tờ xe thì tài xế xe tải bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ điểm a khoản 4; điểm c khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
[...]
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
[...]
6. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
[...]
c) Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
[...]
Căn cứ khoản 3; điểm b khoản 4; điểm b khoản 9 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
[...]
3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 8 Điều này;
b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
c) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
[...]
b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
[...]
9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
[...]
b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
[...]
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm c khoản 13 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ
[...]
2. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
[...]
d) Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không có hoặc không mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy theo quy định hoặc không có thiết bị để truy cập vào được phần mềm thể hiện nội dung của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) theo quy định hoặc có thiết bị để truy cập nhưng không cung cấp cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu;
[...]
Theo quy định trên, trường hợp khi tham gia giao thông mà không có hoặc có nhưng không mang theo giấy tờ xe thì tài xế xe tải có thể bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không có hoặc không mang theo Giấy vận tải
- Phạt tiền từ 200.000 đồng - 400.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận đăng kiểm
Tuy nhiên, khi có yêu cầu xuất trình các giấy tờ này, tài xế xe tải phải chứng minh là có nhưng không mang theo. Nếu không chứng minh được thì tài xế xe tải có thể bị xử phạt về hành vi không có giấy tờ như sau:
- Không có Giấy đăng ký xe: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
- Không có Giấy chứng nhận đăng kiểm: phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng
- Không có Giấy phép lái xe thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng
Độ tuổi của người lái xe được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định độ tuổi của người lái xe như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2)
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC)
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD)
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam
Lưu ý: Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực đến ngày 31/12/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Đặt thiết bị báo động trong phòng vũ trường mà không phải thiết bị báo cháy nổ bị xử phạt bao nhiêu?
- Việt Nam đã có văn bản công nhận Dương lịch là lịch chính thức hay chưa?
- Danh mục loài thương phẩm của nghề khai thác thủy sản theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13981:2024?
- Từ ngày 01/01/2025, giá dịch vụ ngày giường bệnh được tính như thế nào?