Thủ tục cập nhật thông tin nhân thân của người hưởng BHXH hàng tháng theo CCCD?
Thủ tục cập nhật thông tin nhân thân của người hưởng BHXH hàng tháng theo CCCD?
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn 2430/BHXH-CSXH năm 2024 hướng dẫn nội dung tại Quyết định 686/QĐ-BHXH năm 2024.
Cụ thể, Công văn 2430/BHXH-CSXH năm 2024 hướng dẫn quy trình, thủ tục về cập nhật bổ sung thông tin nhân thân của người hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng và lập danh sách chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định mới tại Quyết định 686/QĐ-BHXH năm 2024 (sửa đổi, bổ sung Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019).
Theo đó, tại Mục 1 Công văn 2430/BHXH-CSXH năm 2024, hướng dẫn thủ tục cập nhật thông tin nhân thân của người hưởng BHXH hàng tháng theo CCCD theo Quyết định 686/QĐ-BHXH năm 2024 như sau:
- Người đang hưởng BHXH hàng tháng nhưng thông tin ghi trong hồ sơ hưởng BHXH hàng tháng không thống nhất với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có đề nghị cập nhật thông tin nhân thân theo căn cước công dân (CCCD).
- Người hưởng BHXH hàng tháng chết nhưng thông tin ghi trong hồ sơ hưởng BHXH hàng tháng không thống nhất với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thân nhân có đề nghị cập nhật thông tin nhân thân của người hưởng theo CCCD.
- Những thông tin không thống nhất bao gồm về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính ghi trong hồ sơ hưởng BHXH hàng tháng không thống nhất với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người hưởng thể hiện trên CCCD.
- Việc cập nhật, bổ sung các thông tin nhân thân theo CCCD nêu trên được dùng để điều chỉnh thông tin thẻ bảo hiểm y tế; lập danh sách chi trả và xác nhận thông tin quản lý người hưởng BHXH hàng tháng trong trường hợp người hưởng có yêu cầu cấp.
Tuy nhiên, không dùng làm căn cứ điều chỉnh lại các chế độ BHXH đã được giải quyết (trừ các trường hợp người lao động mượn hồ sơ lý lịch của người khác để đi làm, tham gia đóng và hưởng BHXH).
- Cơ quan BHXH nơi đang chi trả BHXH hàng tháng sẽ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết việc cập nhật thông tin nhân thân đối với người hưởng.
Thủ tục cập nhật thông tin nhân thân của người hưởng BHXH hàng tháng theo CCCD? (Hình từ Internet)
Mức tiền lương tháng tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội là bao nhiêu?
Căn cứ điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Quyết định 948/QĐ-BHXH năm 2023 quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
Điều 6. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
...
2. Tiền lương do đơn vị quyết định
...
2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
...
Theo quy định trên, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
Như vậy, mức tiền lương tháng tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/7/2024 như sau:
- Vùng 1: mức tiền lương tháng tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội là 4.960.000 đồng/tháng
- Vùng 2: mức tiền lương tháng tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội là 4.410.000 đồng/tháng
- Vùng 3: mức tiền lương tháng tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội là 3.860.000 đồng/tháng
- Vùng 4: mức tiền lương tháng tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội là 3.450.000 đồng/tháng
Khi nào phải tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?
Theo Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cụ thể như sau:
Điều 88. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định như sau:
a) Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng;
b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.
2. Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và các trường hợp khác tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi:
- Người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian không quá 12 tháng.
Hết thời hạn tạm dừng đóng thì người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng.
Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam thì được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam.
Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?