Văn bản của Đảng có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

Văn bản của Đảng có phải là văn bản quy phạm pháp luật không? Các thành phần thể thức nào bắt buộc phải có trong văn bản của Đảng hiện nay?

Văn bản của Đảng có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

Tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, điểm b khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 có quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như sau:

Điều 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
8a. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Theo đó, trong số các văn bản quy phạm pháp luật được liệt kê tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì không đề cập đến văn bản của Đảng ban hành. Do đó, văn bản của Đảng không được xem là văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, thể loại, thẩm quyền ban hành văn bản và thể thức văn bản của Đảng sẽ được thực hiện theo Quy định 66-QĐ/TW năm 2017, Hướng dẫn 36-HD/VPTW năm 2018 và các văn bản khác có liên quan.

Văn bản của Đảng có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

Văn bản của Đảng có phải là văn bản quy phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)

Tổng hợp 25 thể loại văn bản của Đảng hiện nay?

Tại Điều 4 Quy định 66-QĐ/TW năm 2017 có quy định về 25 thể loại văn bản của Đảng hiện nay. Cụ thể:

1- Cương lĩnh chính trị

Cương lĩnh chính trị là văn bản trình bày những nội dung cơ bản về mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng trong một giai đoạn nhất định.

2- Điều lệ Đảng

Điều lệ Đảng là văn bản xác định tôn chỉ, mục đích, hệ tư tưởng, các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy của Đảng, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của đảng viên và các tổ chức đảng.

3- Chiến lược

Chiến lược là văn bản trình bày quan điểm, phương châm, mục tiêu chủ yếu và các giải pháp có tính toàn cục về phát triển một hoặc một số lĩnh vực trong một giai đoạn nhất định.

4- Nghị quyết

Nghị quyết là văn bản ghi lại các quyết định được thông qua ở đại hội, hội nghị cơ quan lãnh đạo đảng các cấp, hội nghị đảng viên về đường lối, chủ trương, chính sách, kế hoạch hoặc các vấn đề cụ thể.

5- Quyết định

Quyết định là văn bản dùng để ban hành hoặc bãi bỏ các quy chế, quy định, quyết định cụ thể về chủ trương, chính sách, tổ chức bộ máy, nhân sự thuộc phạm vi quyền hạn của cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng.

6- Chỉ thị

Chỉ thị là văn bản dùng để chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng cấp dưới thực hiện các chủ trương, chính sách hoặc một số nhiệm vụ cụ thể.

7- Kết luận

Kết luận là văn bản ghi lại ý kiến chính thức của cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng về những vấn đề nhất định hoặc về chủ trương, biện pháp xử lý công việc cụ thể.

8- Quy chế

Quy chế là văn bản xác định nguyên tắc, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ và lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng.

9- Quy định

Quy định là văn bản xác định các nguyên tắc, tiêu chuẩn, thủ tục và chế độ cụ thể về một lĩnh vực công tác nhất định của cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng hoặc trong hệ thống các cơ quan chuyên môn có cùng chức năng, nhiệm vụ.

10- Thông tri

Thông tri là văn bản chỉ đạo, giải thích, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng cấp dưới thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị… của cấp ủy, hoặc thực hiện một nhiệm vụ cụ thể.

11- Hướng dẫn

Hướng dẫn là văn bản giải thích, chỉ dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện văn bản của cấp ủy hoặc của cơ quan đảng cấp trên.

12- Thông báo

Thông báo là văn bản dùng để thông tin về một vấn đề, một sự việc cụ thể để các cơ quan, cá nhân có liên quan biết hoặc thực hiện.

13- Thông cáo

Thông cáo là văn bản dùng để công bố về một sự kiện, sự việc quan trọng.

14- Tuyên bố

Tuyên bố là văn bản dùng để chính thức công bố lập trường, quan điểm, thái độ của Đảng về một sự kiện, sự việc quan trọng.

15- Lời kêu gọi

Lời kêu gọi là văn bản dùng để yêu cầu hoặc động viên mọi người thực hiện một nhiệm vụ hoặc hưởng ứng một chủ trương có ý nghĩa chính trị.

16- Báo cáo

Báo cáo là văn bản dùng để tường trình về tình hình hoạt động của một cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng hoặc về một đề án, một vấn đề, sự việc nhất định.

17- Kế hoạch

Kế hoạch là văn bản dùng để xác định mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu của nhiệm vụ cần hoàn thành trong khoảng thời gian nhất định và các biện pháp về tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ đó.

18- Quy hoạch

Quy hoạch là văn bản xác định mục tiêu và các phương án, giải pháp lớn cho một vấn đề, một lĩnh vực cần thực hiện trong một thời gian tương đối dài, nhiều năm.

19- Chương trình

Chương trình là văn bản dùng để trình bày, sắp xếp toàn bộ những việc cần làm đối với một lĩnh vực công tác hoặc tất cả các mặt công tác của cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng (hoặc của các đồng chí lãnh đạo) theo một trình tự nhất định, trong một thời gian cụ thể.

20- Đề án

Đề án là văn bản dùng để trình bày có hệ thống về một kế hoạch, giải pháp giải quyết một nhiệm vụ, một vấn đề nhất định để cấp có thẩm quyền phê duyệt.

21- Phương án

Phương án là văn bản trình bày các cách thức hành động tối ưu để thực hiện nhiệm vụ công tác nhất định của cơ quan, tổ chức.

22- Dự án

Dự án là văn bản trình bày có hệ thống về dự kiến cách thức thực hiện các mục tiêu riêng biệt trong giới hạn về nguồn lực, ngân sách, thời gian đã được xác định trước để triển khai chương trình, đề án, kế hoạch công tác đã đề ra.

23- Tờ trình

Tờ trình là văn bản dùng để thuyết trình tổng quát một đề án, một vấn đề, một dự thảo văn bản để cấp trên xem xét, quyết định.

24- Công văn

Công văn là văn bản dùng để truyền đạt, trao đổi các công việc cụ thể trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng.

25- Biên bản

Biên bản là văn bản ghi chép diễn biến, ý kiến phát biểu và ý kiến kết luận của đại hội Đảng và các hội nghị của cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng.

Các thành phần thể thức bắt buộc phải có trong văn bản của Đảng hiện nay?

Tại Điều 15 Quy định 66-QĐ/TW năm 2017 có quy định các thành phần thể thức bắt buộc trong văn bản của Đảng. Theo đó, mỗi văn bản chính thức của Đảng bắt buộc phải có đủ các thành phần thể thức sau đây:

- Tiêu đề “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM”.

- Tên cơ quan ban hành văn bản.

- Số và ký hiệu văn bản.

- Địa danh và ngày tháng năm ban hành văn bản.

- Tên loại văn bản và trích yếu nội dung văn bản.

- Phần nội dung văn bản.

- Quyền hạn, chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền.

- Dấu cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.

- Nơi nhận văn bản.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Văn bản quy phạm pháp luật
Huỳnh Minh Hân
1,870 lượt xem
Văn bản quy phạm pháp luật
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Văn bản quy phạm pháp luật
Hỏi đáp Pháp luật
Tổng hợp Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư mới nhất?
Hỏi đáp Pháp luật
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 ban hành khi nào? Còn hiệu lực không?
Hỏi đáp Pháp luật
Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Luật Khiếu nại mới nhất 2025 và các văn bản hướng dẫn thi hành?
Hỏi đáp Pháp luật
Tổng hợp Nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra mới nhất?
Hỏi đáp Pháp luật
Bãi bỏ toàn bộ 10 văn bản quy phạm liên quan đến lao động - tiền lương từ 15/02/2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024? Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 có bao nhiêu Chương, bao nhiêu Điều? Hiệu lực khi nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Tải Phụ lục Thông tư 05 2024 TT BXD bản word? Thông tư 05 2024 TT BXD có hiệu lực khi nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Luật Phá sản mới nhất 2025 và các văn bản hướng dẫn?
Hỏi đáp Pháp luật
Dự kiến Nghị quyết của HĐND xã, Quyết định của UBND xã không còn là văn bản quy phạm pháp luật?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Văn bản quy phạm pháp luật có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào