Dấu hiệu nào để đánh giá cấu thành tội làm nhục người khác theo Bộ luật Hình sự?
Dấu hiệu nào để đánh giá cấu thành tội làm nhục người khác theo Bộ luật Hình sự?
Căn cứ theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được thay thế bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội làm nhục người khác như sau:
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, từ quy định trên, để xác định tội làm nhục người khác cần xét dựa trên các dấu hiệu sau:
[1] Mặt khách thể:
- Khách thể trực tiếp bị xâm phạm là quyền được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự của con người.
[2] Mặt khách quan:
- Hành vi tội làm nhục người khác là hành vi một người có tính chất xúc phạm nghiệm trọng đối với nhân phẩm, danh dự của người khác.
- Hành vi làm nhục người khác được thực hiện thông qua lời nói hoặc hành động như: viết, vẽ, nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, cà chua, trứng thối vào người ...
- Thực hiện hành động làm nhục người khác với mục đích làm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, ngoài ra không nhằm mục đích khác.
- Hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể gây ra thiệt hại to lớn về mặt tinh thần đối với nạn nhân, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.
[3] Mặt chủ quan
- Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý.
- Người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
- Người phạm tội thực hiện hành vi làm nhục người khác nhằm mục đích thỏa mãn cơn tức giận đối với nạn nhân hoặc đối với người thân của nạn nhân.
- Người phạm tội mong muốn hoặc để mặc hậu quả xấu về nhân phẩm, danh dự của nạn nhân xảy ra.
[4] Mặt chủ thể
- Chủ thể của tội làm nhục người khác là người có năng lực TNHS từ đủ 16 tuổi trở lên và có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Dấu hiệu nào để đánh giá cấu thành tội làm nhục người khác theo Bộ luật Hình sự? (Hình từ Internet)
Bộ luật Hình sự phân loại tội phạm thành bao nhiêu loại?
Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về phân loại tội phạm như sau:
Điều 9. Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tội phạm được phân thành 04 loại, bao gồm:
[1] Tội phạm ít nghiêm trọng
[2] Tội phạm nghiêm trọng
[4] Tội phạm rất nghiêm trọng
[5] Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Lưu ý: Đối với tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật Hình sự 2015.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng loại tội phạm được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng loại tội phạm được quy định như sau:
- 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
- 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
- 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
- 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, một số trường hợp theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.