Các yếu tố nào cấu thành tội rửa tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự?
Các yếu tố nào cấu thành tội rửa tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự?
Rửa tiền, hay còn gọi là chuyển đổi tài sản bất hợp pháp, là hành vi nhằm biến đổi tài sản có nguồn gốc từ hoạt động phạm tội thành tài sản hợp pháp.
Nói cách khác, rửa tiền là che giấu hoặc hợp pháp hóa nguồn gốc của tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp như ma túy, buôn bán vũ khí, tham nhũng, lừa đảo,...
Tội rửa tiền là một tội độc lập thuộc những tội khác xâm phạm trật tự công cộng được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 122 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Dưới đây là các yếu tố cấu thành tội rửa tiền như sau:
[1] Chủ thể
Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự rửa tiền là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Cụ thể như sau:
- Về độ tuổi: Người phạm tội phải đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
- Về năng lực trách nhiệm hình sự: Người phạm tội phải có năng lực trách nhiệm hình sự.
[2] Khách thể
Khách thể của tội rửa tiền là những mối quan hệ xã hội mà hành vi phạm tội xâm phạm đến. Cụ thể, khách thể của tội này bao gồm:
- Trật tự an toàn xã hội: Hành vi rửa tiền có thể ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội bằng cách che giấu nguồn gốc của tiền thu được từ các hoạt động phạm tội, tạo điều kiện cho tội phạm phát triển.
- Trật tự quản lý kinh tế: Hành vi rửa tiền có thể gây rối loạn trật tự quản lý kinh tế bằng cách đưa tiền thu được từ các hoạt động phạm tội vào hệ thống tài chính, làm ảnh hưởng đến sự lành mạnh của nền kinh tế.
- Sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác: Hành vi rửa tiền có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác bằng cách sử dụng tiền thu được từ các hoạt động phạm tội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
[3] Khách quan
Mặt khách quan của tội rửa tiền là hành vi hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có và tội phạm này luôn gắn liền với hành vi phạm tội khác, nhất là các tội phạm về kinh tế như buôn lậu, kinh doanh trái phép, trốn thuế... các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm về ma tuý...
[4] Chủ quan
Mặt chủ quan tội rửa tiền là hành vi được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được đó là tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc nhận biết rõ tiền, tài sản do chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có và với mong muốn hợp pháp hoá số tiền, tài sản đó.
Mục đích của người phạm tội nhằm hợp pháp hóa tiền, tài sản và là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
Các yếu tố nào cấu thành tội rửa tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự? (Hình từ Internet)
Người phạm tội rửa tiền bị phạt bao nhiêu năm tù?
Căn cứ Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 122 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội rửa tiền:
Điều 324. Tội rửa tiền
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
...
Như vậy, người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội rửa tiền:
- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có.
- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác.
- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
Người phạm tội rửa tiền có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm tùy theo mức độ vi phạm. Người chuẩn bị phạm tội rửa tiền, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản trong việc phòng chống rửa tiền được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 27 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản trong việc phòng chống rửa tiền như sau:
- Khách hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán.
- Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính.
- Số điện thoại do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không tồn tại số điện thoại này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch.
- Giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo.
- Giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan đến tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo.
- Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với hoạt động kinh doanh, thu nhập của tổ chức, cá nhân này.
- Khách hàng yêu cầu đối tượng báo cáo thực hiện giao dịch không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.