Các yếu tố nào cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự?
Các yếu tố nào cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự?
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một tội độc lập thuộc một trong những tội xâm phạm sở hữu được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, điểm c khoản 3 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Các yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự như sau:
[1] Chủ thể
Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Cụ thể như sau:
- Về độ tuổi: Người phạm tội phải đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015.
- Về năng lực trách nhiệm hình sự: Người phạm tội phải có năng lực trách nhiệm hình sự.
[2] Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Thủ đoạn gian đối của người phạm tội là những hành vi nhằm tạo ra thông tin sai lệch, không đúng sự thật để đánh lừa người khác.
Hành vi chiếm đoạt tài sản có thể là chiếm đoạt tiền, vàng, kim loại quý, vật dụng có giá trị,...
[3] Mặt chủ quan
Mặt chủ quan tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp.
Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là gian dối và biết rằng thông tin mình cung cấp là sai lệch, không đúng sự thật. Người phạm tội cũng nhận thức được hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác là trái pháp luật.
[4] Mặt khách thể
Theo pháp luật hình sự, các tội xâm phạm sở hữu là những tội có cùng khách thể là quan hệ sở hữu.
Mặt khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hành vi xâm phạm trực tiếp vào quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ.
Các yếu tố nào cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự? (Hình từ Internet)
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị phạt bao nhiêu năm tù?
Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, điểm c khoản 3 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
...
Theo quy định trên, người nào có hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm
- Đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc một trong các tội sau nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:
+ Tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015)
+ Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015)
+ Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015)
+ Tội cướp giật tài sản (Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015)
+ Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015)
+ Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015)
+ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015)
+ Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015)
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có phải là tình tiết tăng nặng không?
Căn cứ Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
...
m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
...
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Theo quy định trên, tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt để phạm tội được xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tại khung hình phạt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt được quy định là dấu hiệu định khung.
Vì vậy, tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ngày 28/03/2024, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 51 và Điều 52 của Bộ luật Hình sự lấy ý kiến về tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
Trong đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể về tình tiết “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội” là dùng thủ đoạn xảo quyệt là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn dối trá một cách tinh vi, sử dụng công nghệ cao đê thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm, đổ tội cho người khác hoặc người phạm tội có hành vi tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?