Hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán gồm những gì?
Hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 296/2016/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, điểm b Khoản 1 Điều 2 Thông tư 23/2024/TT-BTC, thành phần hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán gồm những giấy tờ dưới đây:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo mẫu tại Phụ lục số 01/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư 296/2016/TT-BTC.
- Bản sao hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán, ngoại trừ trường hợp người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán thuộc diện không phải có hợp đồng lao động.
- Bản sao chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên.
Khi chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên được tích hợp trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác thì Bộ Tài chính có trách nhiệm khai thác và sử dụng thông tin về chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác trên cơ sở trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
- Giấy xác nhận về thời gian thực tế làm công tác tài chính, kế toán, kiểm toán theo mẫu tại Phụ lục số 04/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư 296/2016/TT-BTC hoặc các tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm công tác tài chính, kế toán, kiểm toán.
- Hai ảnh màu cỡ 3x4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
- Bản sao Quyết định thôi việc hoặc Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động tại nơi làm việc trước khi đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (nếu có).
- Bản sao Giấy phép lao động tại Việt Nam của người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán là người nước ngoài, ngoại trừ trường hợp người đăng ký thuộc đối tượng không phải có giấy phép lao động theo quy định.
- Tài liệu chứng minh giờ cập nhật kiến thức tại các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán đối với trường hợp có tính giờ cập nhật kiến thức.
- Tài liệu chứng minh việc nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, trừ trường hợp phí thẩm định đã được nộp khi hồ sơ nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán gồm những gì? (Hình từ Internet)
Có được tiếp tục hành nghề dịch vụ làm kế toán khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 296/2016/TT-BTC quy định như sau:
Điều 8. Sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
1. Người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (sau đây gọi là kế toán viên hành nghề) được hành nghề dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, dịch vụ lập báo cáo tài chính, dịch vụ tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
2. Kế toán viên hành nghề không được tiếp tục hành nghề dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, dịch vụ lập báo cáo tài chính, dịch vụ tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán khi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 296/2016/TT-BTC quy định như sau:
Điều 9. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các trường hợp sau:
1. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết thời hạn.
2. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bị thu hồi.
...
Như vậy, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bị thu hồi thì sẽ không còn giá trị sử dụng.
Do đó, người hành nghề dịch vụ kế toán sẽ không được tiếp tục hành nghề khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán có thời hạn bao lâu?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 296/2016/TT-BTC quy định như sau:
Điều 7. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
1. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a) Họ và tên, năm sinh, quê quán hoặc quốc tịch, ảnh của người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;
b) Số và ngày cấp chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên;
c) Tên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán nơi người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán làm việc;
d) Số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;
đ) Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
2. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán có thời hạn tối đa là 5 năm (60 tháng) nhưng không quá ngày 31/12 của năm thứ năm kể từ năm bắt đầu có hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
...
Theo quy định này, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán sẽ có thời hạn tối đa là 05 năm (tương đương 60 tháng) nhưng không quá ngày 31/12 của năm thứ năm kể từ năm bắt đầu có hiệu lực của Giấy chứng nhận.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trưởng công an xã được tịch thu xe vi phạm không quá 5 triệu đồng?
- Năm 2025 lái xe ô tô chạy quá tốc độ bao nhiêu km/h thì bị trừ điểm bằng lái xe?
- Mẫu phiếu hẹn khám lại trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế?
- Có được phép đeo tai nghe khi đang điều khiển xe máy hay không? Phạt nặng nhất là bao nhiêu?
- Lỗi lùi xe ô tô trên đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền từ 1/1/2025?