Sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng: Sắp tới nghiên cứu quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng với nhóm đối tượng nào?

Xin hỏi sắp tới để sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng sẽ nghiên cứu quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng với nhóm đối tượng nào? - Câu hỏi của Thùy Dương (Hải Phòng)

Sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng: Sắp tới nghiên cứu quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng với nhóm đối tượng nào?

Căn cứ theo Nghị quyết 49/NQ-CP năm 2024 quy định như sau:

...
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ; tăng cường tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp và đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trong đó lưu ý bảo đảm các yêu cầu sau:
- Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế, bảo đảm minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích hoạt động sản xuất trong nước, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thúc đẩy 03 động lực chủ yếu góp phần tăng trưởng kinh tế: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
- Bổ sung, rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung của dự thảo Luật, kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp xử lý trong trường hợp phát sinh nội dung trái, mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy định của pháp luật hiện hành với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; thuyết minh chi tiết việc sửa đổi, bổ sung từng quy định trong dự thảo Luật, trong đó nêu rõ nội dung kế thừa quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, nội dung sửa đổi, bổ sung mới tại dự thảo Luật bảo đảm yêu cầu về phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.
- Nghiên cứu rà soát, luật hóa những vấn đề đã được áp dụng ổn định, thống nhất, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; đối với những vấn đề chưa có tính ổn định cao hoặc trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì quy định mang tính nguyên tắc và giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, chủ động điều chỉnh khi cần thiết như: quy định mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng của hộ, cá nhân kinh doanh; quy định mức giá trị của chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua từng lần...
- Về quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng: Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong từng lĩnh vực; trường hợp cần thiết có thể xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đúng bản chất của hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng.
- Về quy định dịch vụ xuất khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 0%: Bộ Tài chính tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thực tiễn thi hành để nghiên cứu quy định tiêu chí, nguyên tắc phân loại, xác định dịch vụ xuất khẩu để làm cơ sở cho việc quy định các trường hợp dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%, bảo đảm công bằng, đúng bản chất của dịch vụ xuất khẩu, đồng thời kết hợp hài hoà giữa yêu cầu quản lý nhà nước và lợi ích của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu.
- Về quy định hoàn thuế giá trị gia tăng: Bộ Tài chính rà soát kỹ quy định về các trường hợp, điều kiện được hoàn thuế giá trị gia tăng, bảo đảm hợp lý, khả thi, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động để bảo đảm có tính khả thi; quy định cụ thể, phù hợp về quy trình, thủ tục và trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật về quản lý thuế.
...

Hiện nay Luật Thuế giá trị gia tăng đang được sử dụng là Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, được sửa đổi bởi Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013.

Theo đó, để sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng thì sắp tới nghiên cứu quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng với nhóm đối tượng:

- Doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu;

- Chuyển đổi doanh nghiệp,

- Doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách;

- Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

Sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng: Sắp tới nghiên cứu quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng với nhóm đối tượng nào?

Sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng: Sắp tới nghiên cứu quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng với nhóm đối tượng nào? (Hình từ Internet)

Khi nào Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2024 được thông qua?

Căn cứ Điều 1 Nghị quyết 41/2023/UBTVQH15 quy định về thời gian dự kiến thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2024 như sau:

Điều 1. Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Bổ sung các dự án luật sau đây vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với các chính sách cơ bản như đề xuất của Chính phủ:
1. Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) các dự án:
a) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Trường hợp dự án Luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình tại một kỳ họp;
b) Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi);
c) Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi);
...

Ngoài ra, căn cứ Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 316/QĐ-BTC năm 2024 quy định về thời gian xây dựng và ban hành Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2024 như sau:

- Thời gian trình Quốc hội cho ý kiến: Tháng 05/2024;

- Thời gian trình Quốc hội thông qua: Tháng 10/2024.

Như vậy, dự kiến tháng 10/2024, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2024 sẽ được trình Quốc hội thông qua.

Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2024 được thông qua thì bao lâu sẽ có hiệu lực thi hành?

Căn cứ khoản 1 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 sửa đổi bởi khoản 48 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 quy định về thời điểm có hiêu lực của văn bản quy phạm pháp luật như sau:

Điều 151. Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật
1. Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.
...

Như vậy, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2024 sẽ có hiệu lực thi hành vào thời điểm được quy định trong văn bản luật nhưng không được sớm hơn 45 ngày kể từ ngày Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2024 được thông qua.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Tạ Thị Thanh Thảo
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào