Được phép xây dựng công trình tạm trong trường hợp nào? Xây công trình tạm có phải xin giấy phép xây dựng hay không?
Được phép xây dựng công trình tạm trong trường hợp nào?
Căn cứ tại Điều 131 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 49 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có quy định về công trình tạm như sau:
Điều 131. Xây dựng công trình tạm
1. Công trình xây dựng tạm là công trình được xây dựng có thời hạn phục vụ các mục đích sau:
a) Thi công xây dựng công trình chính;
b) Sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công trình quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm.
3. Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm. Trường hợp công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương để theo dõi và kiểm tra theo quy định.
4. Công trình xây dựng tạm phải được phá dỡ khi đưa công trình chính của dự án đầu tư xây dựng vào khai thác sử dụng hoặc khi hết thời gian tồn tại của công trình. Chủ đầu tư được đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận việc tiếp tục khai thác sử dụng công trình xây dựng tạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nếu công trình phù hợp với quy hoạch; bảo đảm các yêu cầu về an toàn chịu lực, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, công trình tạm là công trình xây dựng có thời hạn phục vụ các trường hợp:
- Thi công xây dựng công trình chính;
- Sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 131 Luật Xây dựng 2014.
Xây công trình tạm có phải xin giấy phép xây dựng hay không?
Căn cứ tại Điều 89 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có quy định như sau:
Điều 89. Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng
1. Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
a) Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
b) Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng;
c) Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này;
...
Như vậy, công trình tạm theo quy định bao gồm công trình tạm được xây dựng để phục vụ thi công trình chính và sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định được miễn giấy phép xây dựng. Do đó, việc xây dựng công trình tạm không phải xin giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên cần lưu ý trường hợp xây dựng công trình tạm nhằm mục đích sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều 131 Luật Xây dựng 2014 phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm.
Được phép xây dựng công trình tạm trong trường hợp nào? Xây công trình tạm có phải xin giấy phép xây dựng hay không? (Hình từ Internet).
Nội dung của giấy phép xây dựng gồm những gì?
Căn cứ tại Điều 90 Luật Xây dựng 2014 có quy định về nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng, bao gồm các nội dung sau đây:
- Tên công trình thuộc dự án.
- Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.
- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.
- Loại, cấp công trình xây dựng.
- Cốt xây dựng công trình.
- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
- Mật độ xây dựng (nếu có).
- Hệ số sử dụng đất (nếu có).
- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.
- Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Các mức tăng lương hưu từ nay đến ngày 01/7/2025?
- Từ 1/1/2025, bài kiểm tra phục hồi điểm Giấy phép lái xe có câu điểm liệt không?
- Tăng lương hưu cán bộ công chức viên chức thêm được bao nhiêu tiền? Đã chốt tăng lương hưu 2025 của CBCC viên chức chưa?
- Đối tượng nào được khai thác thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản?