Có phải ghi thông tin trên nhãn hàng hóa khi doanh nghiệp nhận nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu hay không?
Doanh nghiệp nhận nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu có phải ghi thông tin trên nhãn hàng hóa hay không?
Tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP có quy định về tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa như sau:
Điều 12. Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa
1. Tên riêng của tổ chức, cá nhân và địa danh ghi trên nhãn hàng hóa không được viết tắt.
2. Hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó.
a) Cơ sở sản xuất hàng hóa là thành viên trong một tổ chức như công ty, tổng công ty, tập đoàn, hiệp hội và các tổ chức khác thì có quyền ghi tên hoặc tên và địa chỉ và các nội dung khác của tổ chức đó trên nhãn khi được các tổ chức này cho phép.
b) Hàng hóa có cùng thương hiệu được sản xuất tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, được ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đó trên nhãn hàng hóa nếu chất lượng của hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đó công bố hoặc đăng ký lưu hành và phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của hàng hóa.
3. Hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.
Hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành. Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.
4. Hàng hóa của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng hóa đó.
5. Hàng hóa được một tổ chức, cá nhân nhượng quyền về nhãn hàng hóa thì ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều này còn phải ghi thêm tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhượng quyền.
....
Như vậy, doanh nghiệp nhận nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu có phải ghi thông tin trên nhãn hàng hóa bao gồm:
- Ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó (áp dụng đối với hàng hóa được sản xuất trong nước)
Ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa (áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam).
- Ghi thêm tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhượng quyền.
Có phải ghi thông tin trên nhãn hàng hóa khi doanh nghiệp nhận nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu hay không? (Hình từ Internet)
Trường hợp nhãn hàng hóa đã ghi hạn sử dụng thì ngày sản xuất được phép ghi như thế nào?
Tại Điều 14 Nghị định 43/2017/NĐ-CP có quy định về ngày sản xuất, hạn sử dụng như sau:
Điều 14. Ngày sản xuất, hạn sử dụng
1. Ngày sản xuất, hạn sử dụng hàng hóa được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp ghi theo thứ tự khác thì phải có chú thích thứ tự đó bằng tiếng Việt.
Mỗi số chỉ ngày, chỉ tháng, chỉ năm ghi bằng hai chữ số, được phép ghi số chỉ năm bằng bốn chữ số. Số chỉ ngày, tháng, năm của một mốc thời gian phải ghi cùng một dòng.
Trường hợp quy định ghi tháng sản xuất thì ghi theo thứ tự tháng, năm của năm dương lịch.
Trường hợp quy định ghi năm sản xuất thì ghi bốn chữ số chỉ năm của năm dương lịch.
“ngày sản xuất”, “hạn sử dụng” hoặc “hạn dùng” ghi trên nhãn được ghi đầy đủ hoặc ghi tắt bằng chữ in hoa là: “NSX”, “HSD” hoặc “HD”.
2. Trường hợp hàng hóa bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định này mà nhãn hàng hóa đã ghi ngày sản xuất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì hạn sử dụng được phép ghi là khoảng thời gian kể từ ngày sản xuất và ngược lại nếu nhãn hàng hóa đã ghi hạn sử dụng thì ngày sản xuất được phép ghi là khoảng thời gian trước hạn sử dụng.
3. Đối với hàng hóa được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phải thể hiện ngày san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và hạn sử dụng phải được tính từ ngày sản xuất được thể hiện trên nhãn gốc.
4. Cách ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng được quy định cụ thể tại Mục 1 Phụ lục III của Nghị định này.
Hàng hóa có cách ghi mốc thời gian khác với quy định tại khoản 1 Điều này quy định tại Mục 2 Phụ lục III của Nghị định này.
Như vậy, trường hợp nhãn hàng hóa đã ghi HSD thì NSX được phép ghi là khoảng thời gian trước hạn sử dụng.
Ngược lại nếu nhãn hàng hóa đã ghi NSX thì HSD được phép ghi là khoảng thời gian kể từ ngày sản xuất.
Xuất xứ hàng hóa được ghi như thế nào?
Tại Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP có quy định xuất xứ hàng hóa được ghi bằng các cụm từ như:
- Cụm từ “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
- Nếu hàng hóa không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?