Bị lừa chuyển tiền qua tài khoản có lấy lại được không? Người lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản sẽ bị phạt bao nhiêu?
Bị lừa chuyển tiền qua tài khoản có lấy lại được không?
Hầu hết giao dịch được thực hiện thành công ngay khi chủ tài khoản xác nhận. Nếu phát hiện chuyển tiền không đúng, bạn hãy liên hệ ngay với ngân hàng để phong tỏa số tiền đó.
Nếu tiền chưa kịp chuyển đi khỏi tài khoản thụ hưởng, ngân hàng sẽ làm thủ tục hoàn lại số tiền này cho người chuyển nhầm hoặc bị hại.
Nếu tiền đã bị chuyển đi trước khi tài khoản bị phong tỏa, ngân hàng sẽ thông báo, yêu cầu chủ tài khoản hoàn lại số tiền đó. Nếu chủ tài khoản không trả, người bị hại có căn cứ để khởi kiện hoặc tố cáo lên cơ quan công an để đòi lại tiền. Trường hợp không biết thông tin của kẻ lừa đảo, bạn hãy thực hiện trình báo lên cơ quan công an nơi mình cư trú để được hỗ trợ điều tra.
Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo!
Bị lừa chuyển tiền qua tài khoản có lấy lại được không? (Hình từ Internet)
Người lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Nếu số tiền chiếm đoạt được do lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản dưới 2.000.000 đồng thì người lừa đảo sẽ bị xử phạt hành chính (trừ trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự).
Căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
...
Căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về mức phạt đối với người lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản như sau:
Điều 4. Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với cá nhân là 40.000.000 đồng, đối với tổ chức là 80.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, hành vi lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân. Đối với tổ chức, hành vi này có thể bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu là người nước ngoài thì bị trục xuất.
Người lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản có bị xử lý hình sự không?
Căn cứ tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, người thực hiện hành vi lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản có thể bị xử lý hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hình phạt bao gồm cải tạo không giam giữ đến 03 năm; phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản sẽ còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?